
Một ngày năm 2011
cả nước Đức rộ lên tin xấu: Gerd Müller
mất tích, người ta không biết “oanh tạc cơ của dân tộc” biến đi đâu. Ông đi ra
khỏi khách sạn, nơi cả đội trẻ Bayern Munchen mà ông huấn luyện đang ở đó, lên
taxi lúc 5h sáng rồi không ai thấy ông nữa. Tìm theo dấu vết thì biết ông ra ga
tàu hỏa (vì không đủ tiền taxi) để về Munchen, nhưng rồi bặt tin... Sau gần một
ngày thì ông đã ở nhà, rất mệt mỏi và chả rõ đi lạc ở đâu. Cả nước thở phào, người
vợ ông đã chung sống bốn chục năm mới cho báo giới biết ông không hề có điện
thoại cầm tay! Đối với dân Đức, dù đã ẩn thân khá lâu, Gerd Müller vẫn là thần
tượng bóng đá lớn nhất, kể cả khi họ đã có “hoàng đế” Franz Beckenbauer...
Cuộc đời cầu thủ
của họ có quá nhiều sự tương đồng, mặc dù họ hoàn toàn khác biệt. Cùng sinh năm
1945, mới 17-18 tuổi đã được nhận về BM và lập tức trở thành hạt nhân chính đã
xây dựng nên đội bóng BM vĩ đại, chỉ 21 tuổi cả hai đã được đưa lên tuyển và
trong gần một chục năm hai người đã đưa “Die Manschaft” lên những đỉnh vinh quang
cao nhất. Và cũng từ đây lịch sử bóng đá biết thêm 2 cầu thủ Đức vĩ đại, điều
mà trước họ có thể chỉ Fritz Walter đã làm được...
Franz là hậu vệ,
nhưng lại chơi cực kỳ hào hoa phong nhã. Xuất phát điểm là chân đá chặn, nhưng
anh thường xuyên dâng lên đá tuyến giữa, thậm chí tuyến trên (càng nhiều tuổi
càng hay dâng cao) và cũng có chân sút tuyệt vời, khá hay ghi bàn-điều này rất
hiếm ở châu Âu những năm sáu mươi. Ở vị trí libero không ai chơi hay hơn Franz
(sau này chỉ có Mathias Sammer chơi được vài mùa đỉnh cao với chất lượng như
anh!). Đẹp trai, hào hoa, được báo giới ca ngợi là “nhiều trận đá xong mà áo
không thấm mồ hôi” vì cái phong cách nhàn nhã, tự tin của mình-Franz Beckenbauer
trở thành thủ quân xứng đáng của BM và đội tuyển Đức, nơi mà như anh nhiều lần
lặp lại: “tất cả chúng ta đáng nhẽ đã không là gì cả, nếu không có những bàn thắng
của Gerd Müller!”. Hãy xem “hoàng đế”-dân Đức quá yêu quý anh mà gọi như vậy-chơi
bóng nhé:
https://www.youtube.com/watch?v=JVqK4_R17Fo
Gerd Müller trông
như “vận động viên cử tạ”, đùi dế to tướng, béo và lùn tịt (175 cm), dáng di tấp
tểnh chả có vẻ gì là “sát thủ” cả, nhưng vào trận đấu, trước bất cứ đối thủ nào
anh đều có khả năng bùng nổ, và anh ghi 65 bàn trong 62 trận đá tuyển, 365 bàn trong
427 trận ở BM, 14 bàn ở 2 mùa WM-các con số nói lên tất cả-còn rất lâu mới có thể có người
Đức khác có hiệu suất ghi bàn như anh (sau này có Klose và Ronaldo đạt 15 bàn ở
WM nhưng đá 3 và 4 mùa giải, còn tại Đức thì chưa có ai gần được về 2 chỉ số
kia). Anh đá không hề rộng, đối thủ nào cũng biết anh chỉ loanh quanh ở chấm phạt
đền hoặc gần cầu môn hơn-đột ngột tăng tốc, chỉ một chặn bóng cực chuẩn, xoay
người và sút ngay-Goal! Nhiều đội đã cử đến hai cầu thủ kèm sát anh cả trận, tưởng
như anh bị “bắt chết”, nhưng vô vọng: không hoa mỹ, anh ghi bàn bằng chân trái,
chân phải, bằng đầu (khá nhiều mặc dù thấp tịt nhưng anh bật rất cao), bằng đầu
gối, bằng lưng, bằng bụng, khi đang nằm, khi ngồi...ai cũng biết vậy mà không
thể chặn được anh-“oanh tạc cơ của dân tộc” như mọi người trìu mến gọi:
https://www.youtube.com/watch?v=LL3btxDZNyc
Anh ghi bàn các
kiểu: huých, đẩy, phi thân, lao đầu...nhưng thường xuyên nhất là ngã người sút bóng,
và bàn quan trọng nhất đời anh ghi vào lưới Hà Lan ở chung kết cũng như vậy,
anh ngã người sút bóng khi gần như đang quay lưng lại cầu môn đối phương, bóng
đi xuyên qua cả loạt chân hậu vệ áo da cam! Tôi chưa thấy cầu thủ tiền đạo nào
hơi hơi giống được anh, với riêng tôi anh và Romario sau này là 2 tiền đạo
thiên tài nhất! Inzaghi có linh cảm chọn vị trí khá giống anh, nhưng không có
được sức mạnh và sự quyết đoán tuyệt vời như của anh. Ronaldo “người ngoài hành
tinh” có sức càn lướt tuyệt vời, có thể dẫn bóng chạy cả nửa sân, nhưng đánh đầu
và chọn vị trí thua anh xa, Gerd Müller ghi nhiều bàn thắng với phong cách gần
như đánh bi-a:
https://www.youtube.com/watch?v=bPq4LPuU_JY
Anh không đá tài
hoa và chuyền được những đường chuyền chết người như Maradona, chẳng mấy khi rê
dắt qua 5-6 cầu thủ như Messi, lại càng không hoạt động diện rộng như CR7, việc
của anh là loanh quanh ở khu chấm phạt đền và đưa trái bóng vào lưới đối phương
nhanh nhất! Cả sân vận động có thể say sưa theo dõi Johan Cruyff biểu diễn với
trái bóng 90 phút, nhưng chỉ một giây lơ là thì Gerd Müller đã lại “dội bom”.
Và dân tộc Đức vốn dĩ chỉ coi trọng thành tích cuối cùng đã vô cùng biết ơn anh
và những đồng đội như Beckenbauer, Mayer, Hoeness, Breitner, Vogts...đã dành được
cúp thế giới năm 1974. Nhưng anh (và Beckenbauer) tin rằng đội Đức năm 70-72 mới
là đội mạnh nhất trong lịch sử...
Beckenbauer rất
thông minh, tự tin và được lòng tất cả mọi người. Thậm chí khi mới nổi, năm
1966 anh còn ghi âm một đĩa đơn ca nhạc (nhưng sau thấy có vẻ khó làm ca sỹ nên
chuyên tâm vào đá thôi...). Khỏi nói là với vẻ hào hoa và thành tích cao như thế
Franz có rất nhiều hợp đồng quảng cáo-đáng nhớ nhất là trong một trận đấu WM, trước khi trọng tài nổi còi bắt đầu Franz ra hiệu xin phép chậm lại, rồi cúi xuống thắt lại dây giày-sau này khán giả mới biết là anh vừa ký hợp đồng với Puma! Trong khi nổi tiếng như cồn thì Gerd chỉ
có đâu một, hai cái hợp đồng còi cọc. Gerd chả được lòng câu lạc bộ, cũng cãi nhau với cả Liên
đoàn-đỉnh điểm là sau khi vô địch thế giới anh tự xin ra khỏi tuyển, lúc đang
trên đỉnh cao sự nghiệp và mới 28 tuổi! Lý do đơn giản: Gerd Müller coi mình bị bóc lột vì được trả
quá ít tiền!

Beckenbauer chuyển
qua Hamburg rồi sang Mỹ-là cầu thủ đầu tiên từ Đức sang miền đất hứa lắm tiền
này trong khi Gerd Müller ở nhà ghi bàn đều đặn cho BM. Những năm 70 trong tiếng
Đức xuất hiện động từ “mullern” tức là “dội bom” hay “oanh tạc”. Mấy năm sau
anh sang Mỹ, cũng 3 mùa bóng ghi bàn đều, quả là khó tưởng ở cái tuổi 35-36. Gerd
cùng một ông bạn đầu tư quán steak ở Mỹ và nhanh chóng phá sản, bởi vì chỉ trông
chờ được ở du khách Đức, chứ lúc đó bóng đá ở Mỹ còn quá trầm lắng...Gerd
Müller trắng tay, quay về Đức không nghề nghiệp, không tiền và thêm chứng nghiện
rượu kinh niên. Năm 1990 khi “ông hoàng” là HLV đưa “Die Manschaft” đến với chức
vô địch thế giới (mặc dù chưa có bằng HLV) thì Gerd đang trải qua thời kỳ khủng
hoảng nhất của mình. 1992 các đồng đội của anh (Hoeness, Beckenbauer, Vogts,
Rummenigge...)-lúc này đều đã là những “ông to” trong Liên đoàn và BM-đồng góp sức
đưa anh vào trại cai nghiện, rồi đưa anh về ban huấn luyện của đội trẻ BM. 
Cả nước Đức vẫn
dõi theo “oanh tạc cơ của dân tộc” với một công việc rất khiêm nhường ở BM,
trong khi đó “hoàng đế” thì bước qua hết đỉnh vình quang này đến đỉnh vinh
quang khác: phó chủ tịch Liên đoàn, Chủ tịch danh dự câu lạc bộ BM ...và vô vàn
danh hiệu cũng như các hợp đồng béo bở khác, Franz trở thành một trong 200 người
giàu nhất nước Đức, sống ở Áo từ 1982 (cho giảm thuế) và luôn trong ánh hào
quang của media. Còn người Đức cũng hay nhớ đến Gerd khi muốn so sánh, đánh giá
những tài năng mới nổi (kiểu Thomas Muller chẳng hạn), mặc dù chưa ai có thể chơi
hiệu quả một cách kỳ lạ và đầy thuyết phục như anh. Thậm chí đến "kỷ lục" đá hỏng 12 quả phạt đền ở giải trong nước của anh cũng chưa ai phá được! (Gerd đùa là "không quen sút xa như thế"-vì 11m với anh là xa quá !!!)
Trong khi đó anh hai mấy
năm nay kiêng cữ rượu hoàn toàn, thậm chí khi ăn rau trộn cũng phải tự kiểm tra
xem có bị cho dấm táo vào đấy không, vì
nó cũng có men. Tuy vậy họ vẫn sừng sững bên nhau như hai tượng đài không thể vượt qua được của
bóng đá Đức và Bayern Munchen. Gerd
Müller và Franz Beckenbauer là hai người bạn suốt cả cuộc đời, điều đó không thể
nào thay đổi được nữa...