
Tôi có thằng cu em, bạn bè nó hay kêu tên nó là Đỗ. Thực ra
đó là họ nhưng hồi nhỏ mẹ hắn gọi hắn như thế, thế rồi bọn trong lớp bắt chước,
lâu dần thành quen. Nôm na là ước muốn của bố mẹ, cho hắn học hành tấn tới, thi
đâu đỗ đấy mà thôi. Nhà con một lại đẻ muộn, đáng nhẽ được chiều, nhưng cu Đỗ thì bị “rèn” kha khá, được cái nó chịu khó học. Từ cấp một học trường
“làng” ở khu Văn Chương, Đỗ vào lớp mà vẫn có bà osin thập thò ở ngoài, để xem
“nó có làm sao không”, cu Đỗ ngượng lắm cứ đuổi bà ấy về quầy quậy. Từ bé nó đã
quen phải chịu điều tiếng, là cả bố, cả mẹ làm giáo viên thì làm gì học chả giỏi!?
Cứ như cứ con giáo viên là phải học giỏi ấy, chả hiểu logic kiểu gì nữa...
Cấp 2 học thêm thầy Tôn Thân dạy chuyên toán Trưng Vương, cấp 3 học chuyên toán ĐH
KHTN, Đỗ học vẫn giỏi, tuy rằng ở môi trường toàn bạn giỏi thì điều này cũng
khó hơn rất nhiều rồi. Thấy con có năng khiếu toán thực sự, ngoài học ở trường
mẹ Đỗ còn mời thêm thầy về dạy cho con và một số bạn tại nhà, và lại vẫn phải
nghe những câu nhận xét đại ý “học nhiều
thế thì làm gì chả giỏi”...Năm lớp 11 đã được chọn vào tuyển đi thi toán
quốc tế ở Ấn Độ, trẻ nhất đoàn Việt Nam,
Đỗ chỉ được huy chương đồng, cu cậu có vẻ buồn nhưng tính trẻ con, chỉ mấy
hôm rồi đâu lại vào đấy. Bố mẹ cũng chỉ nhắc nhẹ, là con còn phải cố nhiều, cứ
xem anh Ngô Đắc Tuấn năm trên đấy, anh
ấy gia cảnh khó khăn mà thi hai
năm huy chương vàng luôn! Thế rồi năm sau, 1997 cu Đỗ lại được chọn
vào tuyển, thi toán ở
Ác hen ti na, không những lấy “vàng”
mà còn được điểm tuyệt
đối luôn! Lần này thì báo chí
vào cuộc, ầm ĩ hơn nhiều so với năm trước, không chỉ vì chuyện điểm tuyệt đối,
mà vì bố cu em là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ “siêu bộ”-như cách dân gian hồi đó
gọi Bộ kế hoạch-đầu tư. Chắc là lần duy nhất có chuyện trong cuộc họp Chính phủ
TT Sáu Khải chúc mừng bố cu Đỗ vì thành tích của con, rồi sau đó các đồng nghiệp
cũng đến chúc mừng bố em. Dân gian bây giờ không xì xào “học thế làm gì chả giỏi”
nữa, mà ngược lại, “thế mà nó lại học giỏi được mới lạ chứ”...Cu Đỗ cũng vất vả
một thời gian, nào là phỏng vấn, chụp hình, hội nghị...xong rồi đâu lại vào đấy,
lại trở về với đam mê bóng đá và trò game đá bóng! Có chuyện “hấp dẫn” nhất mà
cu em kể nhiều lần, chả thấy ai chịu nghe cả, đó là nó cũng khá gặp may nữa!
Ngày thứ hai, bài khó nhất, cả đoàn VN chả ai làm được, cu Đỗ sắp đến lúc hết
giờ mới làm xong, thì mới chỉ kịp viết trên giấy nháp, đã kịp chép vào bài đâu.
Nhưng may là IMO họ chấm cả giấy nháp, cuối cùng vẫn đạt điểm tối đa, may thế! Chắc là chi tiết ấy ảnh hưởng đến
hình tượng “điển hình” nên chả báo chí nào nhắc đến làm gì...
Cu Đỗ lại lao vào học, thực ra bây giờ việc học mới bắt đầu.
Con đường thì cũng giống mấy “chàng
trai vàng” khác: lớp cử nhân tài năng trẻ, rồi thi vào Bách khoa Paris, lại vẫn
cùng học, cùng thi với những người rất giỏi như anh Tuấn. Trong khi cu em đi học
xa thì bố em lặng lẽ về hưu-một trong những đại diện cuối cùng của lứa bộ trưởng
thời đó, phải nói là khác, rất khác so với những bộ trưởng bây giờ. Cu em học
giỏi-chuyện cũng bình thường như với các bạn đồng hành của nó-sau Paris thì nó
chọn kinh tế để làm luận án tiến sỹ ở Harvard, theo nó nói là trong kinh tế học cũng ứng dụng rất nhiều toán!
Chuyện đáng nghĩ nhất của cu Đỗ và gia đình, là khi bố cu em
bị phát hiện có bệnh hiểm nghèo. Là con một nên hoặc nó phải học và làm tiếp ở
nước ngoài, hoặc là phải về nước để lo chăm sóc bố. Trong một cuộc họp gia đình
bố cu em đã nói: “Con hãy học tiếp ở nước ngoài, học gì do con tự quyết định,
chỉ cần nhớ là có làm ngành gì cũng phải là một chuyên gia giỏi nghe con! Không nên về nước, vì về nhà dù
bố đã về hưu rồi, dù con có
làm được gì hay không, thì người ta cũng sẽ điều tiếng, sẽ bảo là nhờ bố mà con
mới được như thế...”. Và thế là cu Đỗ vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học, chỉ xin
chuyển từ Mỹ về Singapore dạy học, để
tiện chăm sóc bố em hơn những lúc ông phải sang đây khám chữa bệnh.
Tôi có “tra khảo” nó về việc học gì lắm thế, mãi chưa chán
à, không đi làm đi ăn cái gì khác xem nào? Thì nó trả lời ngay, cái này nó nghĩ
kỹ lắm rồi: “Thực ra làm giàu không khó, kể cả ở Việt Nam. Bọn bạn em cũng nhiều
đứa làm ăn được lắm, mà lứa bọn em làm là dùng đúng chất xám, đúng theo quy luật
kinh tế thị trường, chứ không nhờ gì vào quan hệ-tiền tệ-hậu duệ...như người ta
hay nói đâu! Học chính ra mới khó, khó hơn làm ăn nhiều, thế cho nên em thích
và chọn học!”. Thôi kệ cu, tôi chả tranh luận về việc làm ăn khó hay dễ nữa, nó
thế là quyết rồi...
Bố Đỗ mất đi năm 2010, cũng một cách khá lặng lẽ, cũng như
bao việc ông đã làm và chưa kịp làm cho cuộc đời này, chỉ di chúc để lại một học
bổng hàng năm cho những sinh viên giỏi nhưng hoàn cảnh khó khăn của trường đại
học mà ông đã từng làm hiệu trưởng. Quỹ đó được ông xin phép và thống nhất với nhà trường trước rồi, theo di chúc sẽ được lập ra bởi tất cả số tiền phúng điếu thu được từ đám tang của ông, còn nếu thiếu gia đình sẽ bỏ thêm vào. Cu Đỗ thì đã trở thành giáo sư của Trường
Hành chính công Paris và vẫn
tiếp tục nghiên cứu kinh tế
chính trị, viết bài chuyên ngành say sưa. Về học hàm, học vị em đã hơn cả bố em
trước kia rồi, bố em sinh thời bao giờ cũng chấn chỉnh khi người ta viết nhầm,
rằng ông giáo sư thì đúng, nhưng ông
chỉ là phó tiến sỹ thôi, mặc
dù tất cả cứ gọi đại là tiến sỹ từ khi nhà nước bỏ học vị PTS!
Mấy hôm nay báo
chí rộ lên việc có một thanh niên “giỏi chơi chim”, 30 tuổi đã lên Giám đốc Sở
KH-ĐT ở tỉnh nọ, nơi ông bố mới thôi chức bí thư, tự nhiên tôi cứ nghĩ đến cu
em Đỗ. Nếu trong giây phút lựa chọn khó khăn kia, nó và gia đình chọn Việt Nam,
thì hôm nay đây nó đang đi đâu về đâu? Chắc bố cu em không cho nó mon men đến
cái cơ quan cũ của mình, mà cũng chả gửi gắm nó cho bác Ba, chú Tư nào hết, thế
thì tự thân vận động giỏi mấy thì nó cũng đến làm giảng viên đại học, nghề ấy
có vẻ “truyền thống” nhất. Hoặc có xin được vào nhà nước ở sở, ban, ngành nào
thì nhanh lắm, phấn đấu lắm Đỗ có khi cũng được chức phó phòng hay thậm chí quyền
trưởng phòng, sáng sáng có bọn trẻ hơn pha trà cho mà uống. Hơn chú em “chơi
chim” kia mấy tuổi, nhưng cu Đỗ sẽ vẫn được coi là cán bộ trẻ, phải phấn đấu thử
thách nhiều, càng “nguồn” càng phải thử...Rồi một ngày đẹp trời cu Đỗ cũng được
một sếp, có thể là một cu em “chơi chim” nào đó nâng đỡ, chọn làm trợ lý hay
thư ký gì đấy...Thôi chả nghĩ nữa, chuyện ấy cũng bình thường, quá nhiều là đằng
khác trong xã hội này, mà nào cu em đã về đâu, còn phải học...


Bây giờ thỉnh thoảng
cu em vẫn về nước, theo mấy anh lớn kiểu Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn để “đối thoại
giáo dục” –nói cho TT và mấy sếp lớn nghe thì nghe, không nghe thì lần khác lại
nói...Hôm qua chắc là một ngày vui nhất trong đời của cu Đỗ, vui hơn mọi giải
thưởng của chuyện học hành-nó mới có một thằng cu đầu lòng. Sẽ lại đến một
ngày, độ mười mấy năm sau, cu Đỗ lại phải nói với cu “Đỗ con”, là “làm ngành gì
thì cũng phải là một chuyên gia giỏi nghe con!”. Chúc mừng cu em, Đỗ nhé!
Xem và bình luận tại đây: https://www.facebook.com/namhhn/posts/939646659430605