(dành cho
người đọc chậm)
Lời nói đầu: dựa theo nội
dung của Hồi ký “Tưởng rằng đã quên” và cuộc phỏng vấn cuối cùng 10/1/2017 với
cụ Lê Tâm – một trong những người cuối cùng là nhân chứng của lịch sử làm súng
bazooka tại chiến trường Việt Nam thời chống Pháp tôi xin viết lại thành một
câu chuyện thật đơn giản và dễ theo dõi. Vì đây là ý kiến của một cá nhân, có
thể chưa đầy đủ và có thể mang tính chủ quan, bài viết này hoan nghênh mọi
thông tin bổ sung, làm rõ của quý vị độc giả.
Nguyên lý hoạt động: súng
không giật (SKZ) và bazooka thực ra là hai khái niệm khác nhau, một cái SKZ là
súng nhẹ để bắn đạn hạng nặng (như đạn pháo chẳng hạn), một cái (Bazooka) là
súng chống tăng do Mỹ đưa ra. Ở Việt Nam thời chiến tranh chống Pháp ta đã làm
loại súng có cả hai đặc tính nói trên, chúng hoạt động dựa theo hai định luật
vật lý sau:
-hiệu ứng nổ lõm Munroe: để
tăng sức xuyên thủng của quả đạn người ta tập trung hiệu quả của năng lượng nổ
sử dụng hiệu ứng Munroe (được khám phá từ 1792 !!!) - hiệu ứng sẽ tập trung vào
một điểm nên sức công phá cực lớn. Có mấy loại hình “lõm” được ứng dụng, và Mỹ
đã ứng dụng đầu tiên cho lựu đạn năm 1880, cho bazooka chống tăng năm 1942 tại
chiến trah thế giới 2, nhưng ở Bắc Phi.
-định luật “lực và phản lực
bằng nhau” : Khi bắn thay vì toàn bộ khí sẽ đẩy viên đạn lên cho đến khi viên
đạn ra khỏi nòng súng và tạo thành khí phản lực gây ra độ giật thì một lượng
khí lớn sẽ thoát ra phía sau với áp lực gần tương đương với áp lực khí đẩy viên
đạn ra khỏi nòng súng. Việc hai luồng phản lực ngược nhau và sức mạnh gần tương
đương nhau sẽ tự triệt tiêu lẫn nhau làm giảm đến mức tối đa độ giật gây ra.
SKZ nếu gọi chính xác thì phải là “súng ít giật” và khá nặng nề, thường có chân
để gắn trên các xe cơ giới (ô tô, xe tăng). SKZ được Mỹ áp dụng lần đầu vào
thời đại chiến thế giới lần thứ nhất, sau này rất nhiều nước sử dụng và ở đại
chiến lần thứ hai chủ yếu để bắn đạn chống tăng.
Phải nói luôn là nguyên lý
hoạt động của các loại súng này đã được tìm ra từ lâu rồi, do đó chẳng có người
Việt Nam nào phát minh, sáng chế ra nó nữa. Kỹ sư Lê Tâm – một trong những
người đã “làm” ra chúng cũng nhiều lần nhấn mạnh vấn đề này (và từ chính xác
trong tiếng Pháp đó sẽ là “fabriquer”). Thời thế chiến 2 khắp nơi trên đất Pháp
có thể đọc tạp chí về vũ khí với tên gọi “Jane” của Anh có đủ tất cả các thông
số, hình vẽ, hướng dẫn để chế tác tàu thủy, xe tăng, các loại vũ khí mới... của
tất cả các nước trong đó có cả của Liên Xô, Đức, Mỹ... chả thiếu cái gì, những
điều này không thể và không là bí mật quốc gia gì nữa (mà làm sao giữ bí mật
được nếu đối phương có đầy chiến lợi phẩm?). Tuy vậy từ việc “biết” cho đến
việc “làm ra” được sản phẩm là cả một khoảng cách rất xa – ví dụ như ai cũng
“biết” chiếc ô tô vận hành như thế nào, nhưng để “làm ra” được nó thì vô cùng
phức tạp! Súng bazooka cũng vậy, tùy từng thời điểm và điều kiện, để mà
“fabriquer” ra được một sản phẩm công nghệ cao như thế rất không đơn giản, và
nó thể có có rất nhiều kiểu dáng, công dụng khác nhau - đó chính là công lao
của “những người làm súng” Việt Nam.
Trước đại chiến lần thứ hai
nhu cầu làm ra chúng chưa có, người ta thường tấn công xe tăng, xe bọc thép khá
hiệu quả bằng “cocktail Molotov” hay gọi nôm na là chai xăng. Ngay tại Pháp
quân chống Đức cũng hay thả chai xăng từ trên nhà cao xuống xe tăng phátxit
trong thành phố – lại cộng thêm cả hiệu ứng gần như “đạn lõm” nữa! Ở Việt Nam
khi kháng chiến chống Pháp nổ ra nhu cầu chế tạo bazooka xuất hiện rõ nét, và
thế là việc “làm bazooka” liên quan chặt chẽ với những con người sau:
-kỹ sư Phạm Thành Lễ (sau
được đặt tên là Trần Đại Nghĩa): quê ở Vĩnh Long, ông học xong trường Cầu Đường
Paris, có một thời gian rất ngắn sang Đức để làm việc cho một xưởng vũ khí, sau
đó Đức đầu hàng đồng minh, ông quay lại Pháp rồi về nước năm 1946 với một số
trí thức khác theo lời kêu gọi của cụ Hồ. Lên chiến khu ông được phong hàm
thiếu tướng và giao phụ trách Cục Quân giới, chính ông nghiên cứu để chế tạo
rập khuôn súng bazooka Mỹ 100% - bởi vì lúc đó ta có mẫu súng và đạn bazooka
của Mỹ. Người giúp ông về việc luyện kim là ông Võ Quý Huân – cũng là một trí
thức từ Pháp về cùng đợt đó. Tuy có ra được sản phẩm nhưng sau một tai nạn cháy
nổ, có hai công nhân quốc phòng hy sinh, ông Nghĩa đã được trên rút về tập
trung quản lý, lãnh đạo nói chung.
-kỹ sư Nguyễn Trinh Tiếp: quê
ở Thanh Hóa, chính ông là người phụ trách để làm ra “súng không giật” tại chiến
khu miền Bắc - SKZ - thực ra cần gọi đúng là “súng ít giật”. Ông tuy chỉ được
đào tạo trong nước nhưng là một người rất thông minh và được anh em cán bộ kỹ
thuật quốc phòng đánh giá rất cao. SKZ do ông chế tác vác vai được chứ súng
kiểu Mỹ thường là đặt trên xe tăng, xe cơ giới. Kích thước to hơn cả súng Mỹ.
SKZ của ông Tiếp ưu việt hơn mô hình súng Mỹ của ông Nghĩa nên được bộ đội sử
dụng là chính tại miền Bắc. Nguyễn Trinh Tiếp sau này làm Viện trưởng Viện
Nghiên cứu Quân giới cho đến 1953, hòa bình lập lại thì chuyển sang làm về giao
thông. Đáng tiếc là ông hy sinh khi làm nhiệm vụ năm 1967. Ngày nay vẫn còn giữ
được mẫu SKZ làm theo mô hình ông tự vẽ ra (súng to hơn bazooka để bắn đạn to
hơn). Có 2 bài viết kỹ lưỡng về ông Tiếp cho những người thích tìm hiểu lịch sử
quân giới do các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Đình Phu viết sau này.
-kỹ sư Nguyễn Hy Hiền (quê ở
Thừa Thiên-Huế, sau lấy tên Lê Tâm) là người phụ trách để làm ra súng bắn đạn
SS (đạn to nhất - đường kính 58mm với mấy kiểu dáng SSA, SSB-50 trong khi đạn
canông chỉ có đến cỡ 50) tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ông đặt tên “SS” vì
muốn lấy tên đó để làm quân Pháp khiếp vía (sau khi Pháp đã thua Đức tại chính
đất châu Âu)! Thực ra đơn giản chỉ là “súng rừng Sác” thôi. Câu chuyện làm súng
SS do chính ông Lê Tâm kể lại tóm tắt như sau:
Ông học cùng trường Cầu Đường
Paris nhưng dưới năm ông Trần Đại Nghĩa. Năm 1946 khi đoàn kia về nước cùng
đoàn với cụ Phạm Văn Đồng thì ông Đồng cử ông Hiền đi Ý để học thêm về trị
thủy, rồi mới về sau, thế nên ông và vài trí thức khác đã cập bến Sài Gòn khi
toàn quốc kháng chiến nổ ra. Ông được đưa ra bưng biền, từ đó theo cách mạng
dưới sự chỉ huy của trung tướng Nguyễn Bình. Ông lấy tên Lê Tâm, được phong đại
tá dù còn rất trẻ, làm giám đốc Phòng quân giới Nam Bộ. Từ năm 1949 ông được
giao nhiệm vụ phải làm bằng được bazooka. Lý do hai miền lại làm những loại
súng khác nhau bởi:
-không có thông tin – thời đó
để chuyển tin tức bắc nam mất hàng tháng trời. Khi sau này miền Nam đã chế được
bazooka rồi thi mới nhận được sơ đồ súng của miền bắc, do một số nguyên nhân về
công nghệ chế tác mà cũng không làm tại bưng biền được.
-miền Bắc làm quả đạn đúng
như của Mỹ, miền Nam không có mẫu đạn như vậy, phải tự chế. Trong Nam ta có mẫu
súng đạn, nhưng lại theo kiểu Anh và Pháp. Khi về nước ông Lê Tâm mang theo 1
vali và một thùng to sách kỹ thuật và đã gửi lại Sài Gòn tại nhà của chị em
người bạn cũng cùng trường Cầu Đường Trần Lê Quang – sau này Bộ trưởng của
Chính quyền Sài Gòn, còn những người em gái, em trai ông Quang trở thành anh
hùng lực lượng vũ trang của quân giải phóng miền Nam. Ông đề nghị thủ trưởng
Nguyễn Bình cho liên lạc trong thành khuân hết lên chiến khu, còn mua thêm
nhiều sách nữa để nghiên cứu thêm, tuy vậy thực ra chúng không giúp được nhiều,
vì mọi tính toán, thiết kế ông và cộng sự đều phải tự làm lại hết. (Ông Nghĩa
khi về cũng mang rất nhiều sách khoa học, tầm khoảng 2 tạ sách, mà sau này có
nhà báo viết "mang về hàng tấn sách", e rằng hơi phóng đại quá sự thực...).
Ông Tâm quyết định làm súng theo mô hình tự vẽ ra, sau này được đặt tên là SS.
Ông Lê Tâm hiểu rằng bắt buộc
phải dùng tới đạn lõm, tại miền Nam không phải nhiệm vụ chính để chống tăng
đâu, mà sau này nổi tiếng nhất là để phá “lô-cốt De La Tour” – hồi đó khắp miền
Nam phổ biến loại lô-cốt tường cực dày làm bằng gạch hay xi-măng cốt thép,
không có loại đạn nào phá nổi! Từ trong địch bắn ra bằng đại liên Bofors –
chống được cả máy bay lẫn bộ binh, tốc độ khoảng 60 viên/phút – loại súng này
rất cao cấp về mặt cơ khí, quân ta gọi đó là “súng thủy điện”). Thậm chí anh em
quân ta đã mày mò dùng đến cả nước mắm để làm mềm tường lô-cốt nhưng sau đó mọi
loại đạn dược đối với nó vẫn vô nghĩa. Sau này khi SS xuất hiện thì SS đã làm
cho kế hoạch khống chế miền Nam bằng lô-cốt De La Tour phá sản hoàn toàn –
những lô-cốt này nếu dùng đến nữa chả khác nào miếng mồi ngon cho những quả đạn
có thể xuyên qua tường như cắt những miếng bơ. Thứ hai SS là khắc tinh của
những chiếc tàu thủy, ca nô chở quân Pháp đi tuần khắp trên các kênh rạch chẳng
chịt miền Nam, dùng SS trên bờ mà ngắm bắn thì quá dễ, chìm ngay...
Để làm được SS tại rừng Sác
ta phải chế ra: súng, đạn, thuốc nổ, thuốc đẩy. Rất khó làm được thuốc đẩy
(phải mua tận Bangkok, Thái lại mua của Myanmar, Myanmar mua của người Hoa,
người Hoa đi buôn từ Đức hay Pháp về...). Thuốc nổ thì kiếm dễ hơn được tại Sài
Gòn hay Nongpenh nhưng sau vẫn phải lấy từ bom, mìn vì không có đủ. Nòng súng
làm từ những ống nước của nhà máy cao su Michelin tại Biên Hòa: thép đó rất
tốt, có thể chịu được áp suất, nhiệt độ cao. Kỹ sư Lê Tâm đưa ra hướng dẫn phải
gia cố thêm nó bằng thép (quấn xung quanh như buộc lạt cho bánh tét) để có thể
bắn được đạn SS, nhưng phải rất cụ thể và chuẩn để bảo đảm an toàn và độ chính
xác cho súng – tài liệu này sau này Bộ Quốc phòng và Cục Quân giới đã làm thất
lạc. Tất nhiên phải trải qua rất nhiều thử nghiệm, trong đó cách làm dựa vào
kinh nghiệm làm bê tông cốt thép ông được học từ trường Cầu Đường Paris (công
nghệ “frettage”). Cuối cùng là quả đạn – có sự giúp sức của cộng sự là ông Lê
Văn Võ, học bên Pháp về hóa chất nay về chiến khu và phụ trách. Ông Võ nghĩ ra
cách dùng lông cò để san gạt thuốc nổ, không gây cháy nổ... khá quan trọng về
an toàn sản xuất. Tuy vậy trong những công việc nguy hiểm nhất ông Tâm vẫn phải
làm gương để anh em noi theo, và tai nạn lớn nhất cũng xảy ra đối với chính
ông: mìn đã nổ trên trên tay ông – vỡ đầu, thương tích toàn thân, thế mà cao số
không chết. Tiếp xúc quá nhiều với chất nổ khiến ông bị bệnh phổi và ngón tay
sạm vàng từ dạo đấy.
SS được làm tại những binh
công xưởng - chúng rất to, mỗi cái có tới cả nghìn người. Tất nhiên trong rừng
Sác thì điều kiện vật chất thật là thiếu thốn. Đến giờ ông Tâm vẫn nhớ trong
bưng biền ăn Tết rất vui, cho lính đi bắn hươu nai về liên hoan rất “xôm”...
Tuy vậy nguy hiểm luôn rình rập: chiến khu rất hay bị lính Pháp đi càn, và đáng
sợ nhất là lính nhảy dù đánh tập kích vô cùng tàn ác, sẵn sàng tàn sát cả dân
thường, để diệt binh công xưởng và bắt những cán bộ chủ chốt – “chiến thuật
Leclerc” – theo tên viên danh tướng của De Gaulee. Bộ đội ta lúc đầu không có
vũ khí để chống trả những cuộc càn quét đó của quân Pháp, phải đến năm 1951
những súng SS được chế tác thành công, và miền Nam ta sản xuất được rất nhiều
SS thì SS trở thành nỗi kinh sợ của thực dân Pháp!
Điểm khác biệt của SS so với
SKZ và có thể nói là so với mọi loại bazooka khác đó là sự tồn tại của “khối
lùi”. Khối lùi thường được làm bằng gỗ, bằng gang, bằng đá... cốt là nặng, càng
nặng càng tốt. Lực đẩy của luồng khí do viên đạn bắn ra sẽ được cân bằng bởi
lực văng ra của khối lùi, ví dụ 1 viên đạn nặng 1,5 kg thì khối lùi phải nặng
tối thiểu 1 kg. Ý nghĩa rất lớn của khối lùi: lính ta không cần phải vác đi
những khối súng nặng hàng tấn, mà chỉ cần mang theo những khối lùi với khối
lượng đơn vị kg thôi! Đấy là sáng kiến quan trọng nhất của kỹ sư Lê Tâm, mặc dù
nguyên lý của nó rất đơn giản, chỉ theo định luật Newton! Khối lùi rất rẻ, Nam
Bộ đúc gang được, dùng cột nhà làm khối lùi được, thậm chí hồi đó gỗ quý ngày
nay cũng chả thiếu thứ gì... nên quân ta còn không cần nhặt lại khối lùi, bắn
là bỏ luôn. Chỉ cần cẩn thận lúc bắn, để không ai đứng thò mặt vào quỹ đạo giật
lùi của “khối lùi”. Anh em thích nhất làm khối lùi vì không khó và được tự do
“sáng tác”! Ngay kích thước súng có thể to tùy ý, đạn làm theo kích thước nòng
súng.
Đêm trước ngày thử nghiệm SS
kỹ sư Lê Tâm không giấu nổi hồi hộp, đã kể với anh em về sức công phá của đạn
SS, về việc dễ dàng vận chuyển súng như thế nào... và tai mắt của địch nằm
trong số đó cũng có, ngay mấy hôm sau mấy tờ báo lá cải viết bằng tiếng Pháp
tại miền Nam đã giật tít: “Kỹ sư Lê Tâm đe dọa trong một đêm phá hủy cả Sài
Gòn”. Sau này binh công xưởng có thể tổ chức làm khắp nơi, để làm ra SS đánh
tàu thủy của Pháp, Mỹ trên kênh rạch đồng bằng Nam Bộ... Muốn bắn xa thì tăng
cường thuốc đẩy thôi, tối đa khoảng 1 km vẫn nhắm chính xác được. Uy lực của SS
làm lính Pháp khiếp hồn. Sau cái chết của trung tướng Nguyễn Bình ông Lê Tâm và
nhiều cán bộ khác được lệnh triệu tập ra bắc theo đoàn do ông Lê Duẩn cầm đầu
thì anh em còn lại vẫn theo hướng dẫn làm được tiếp SS và một vài loại súng
khác nữa...
Đi đường bộ ra đến miền bắc
ông Lê Tâm được giao phụ trách làm đường để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên
Phủ - cũng là một công việc khá nguy hiểm vì liên quan đến việc sử dụng thuốc
nổ thường xuyên. Khi đã có mường tượng khá rõ về địa hình miền bắc tại căn cứ
địa Điện Biên Phủ của bọn Pháp ông thấy ta không dùng SKZ để tấn công mà chỉ
đánh vài chiếc xe cơ giới của chúng, cũng khá lạ! Có thể năng lực sản xuất ngoài
bắc yếu hơn trong nam chăng? Ông không rõ, nhưng ông nghĩ nếu dùng SS mà đánh
thì quá dễ, Pháp chỉ có cách ra hàng, chứ không SS sẽ san phẳng cái thung lũng
lòng chảo đó, mà lúc đó lượng SS trong nam còn dư thừa rất nhiều, chưa nói đến
việc tăng cường sản xuất thêm! Tất nhiên đường xá xa xôi, nếu đem SS trong nam
ra thì mất tới 6 tháng, nhưng nhanh có thể chỉ 3-4 tháng thôi, cứ vây Pháp lại
đấy, chờ SS ra tới nơi, sẽ chả có nhiều hy sinh của bộ đội ta như đánh bằng các
loại hỏa lực khác. Như thế thì có thể sẽ không có những tác phẩm kiểu như “Hò
kéo pháo” nữa, quân ta sẽ rất nhàn nhã mang súng với “khối lùi” nhẹ tênh lên
Điện Biên mà nã đạn, chả có lô-cốt nào chống cự được! Cái khó là lúc đó ông Lê
Tâm chỉ là một sỹ quan trẻ măng bên công binh, lại quân của “ê-kip” miền Nam,
làm sao gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp mà trình bày được. Thế rồi lại một tai nạn
nữa, mìn phá đá hất ông văng từ sườn núi xuống, ông nằm ba ngày mà không có
biểu hiện của sự sống, chỉ có điều kỳ diệu và món thuốc bí truyền của người dân
tộc đã cứu sống ông. Đến khi ông tương đối bình phục thì tướng De Castries đã
kéo cờ trắng ra hàng. Bốn chục năm sau, một lần đến chơi nhà tướng Phan Thu -
một trong những người viết sử quân đội ta - ông mới được tặng một bản copy tài
liệu ta thu được 5/1954 tại căn hầm tướng De Castries – một bản báo cáo của
quân Pháp gửi về Bộ Quốc phòng về những loại súng bazooka do quân đội ta sản
xuất, trong đó phân tích rất nhiều và kỹ về SS...
Sau 1954 cả ba ông Nghĩa,
Tiếp, Lê Tâm đều trở thành “dân sự��, không ai gặp ông Tiếp còn mấy chục năm
trời ông Tâm luôn làm việc tại cơ quan mà ông Nghĩa chính là người đứng đầu, từ
Đại học Bách Khoa, Ủy ban Khoa học, Báo Khoa học thường thức... Chẳng ai nhắc
đến bazooka nữa, thậm chí chả biết đến chuyện chiến sỹ miền nam sau này gửi một
khẩu SS-B ra tặng cho Bác Hồ thì bị chậm, Bác đã mất. Hơn 40 năm sau, đến khi
nhà nước tổ chức xét trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 người ta mới đặt câu
hỏi về những khẩu bazooka chống Pháp. Vậy ai làm ra chúng?
1995 lúc chuẩn bị trao Giải
thưởng HCM, Bộ Quốc Phòng và ông Hoàng Đình Phu của Ủy ban Khoa học đi tìm hiểu
vì dự định từ “trên” là sẽ có một giải thưởng về chế tạo vũ khí. Lúc đầu họ hỏi
bên Cục Quân giới, nghĩ là đó chính là tác phẩm của ông Trần Đại Nghĩa (lúc đó
đã khá mệt vì tuổi cao) – nhưng bên đó trả lời là theo tài liệu của ngành thì
đó là ông Nguyễn Trinh Tiếp, nhưng đã mất rồi. Ngay ông Hoàng Đình Phu là người
đồng hương, cùng cơ quan cũng chả biết ông Lê Tâm lại có một thời kỳ làm súng,
còn ông Lê Tâm lúc đó về hưu đã lâu lắm rồi, chả liên quan gì đến và cũng chả
ai biết mà hỏi (Cục Quân giới và Quân giới Nam Bộ quan hệ luôn khá lỏng lẻo).
Thế rồi họ hỏi đến một vị “lão làng” là ông Ngô Văn Năm thì ông Năm rất minh
mẫn và kể lại rằng lúc trước ông đang giữ chức trưởng phòng Quân giới Nam Bộ
thì đã tự nguyện nhường chức cho cậu kỹ sư trẻ Lê Tâm khi từ Pháp về, và tiếp
tục làm phó cho cậu này suôt thời kỳ binh công xưởng làm SS, cho đến khi ông
Tâm ra bắc. Bà Nguyễn Thị Bình cũng bênh vực súng SS thời đó trong nam, của kỹ
sư Lê Tâm làm, rằng chính người em trai của bà là chú Hải hồi đó còn thiếu niên
đã làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc nổ từ thành phố vào bưng biền cho ông Tâm làm
súng. Thế là người ta tìm lại được ông Lê Tâm...
Giải thưởng HCM đúng ra thì
trao cho cống hiến trong cuộc đời một con người là đúng nhất, nhưng bệnh hình
thức ở xứ ta bao giờ cũng khá nặng, thế nên giải về khoa học kỹ thuật thì cũng
cần nêu ra một thành tựu về khoa học kỹ thuật, vậy nên đợt đó (và các đợt sau
nữa) nhiều người rất xứng đáng nhưng được trao giải với những công trình nghe
khá ngô nghê, chẳng ra làm sao cả. Ban tổ chức đành dành cho ông Trần Đại Nghĩa
– “cây đa, cây đề” tất nhiên không thể không trao giải - giải thưởng về “Cụm
công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (Bazooka, súng không
giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954”. Còn một giải
thưởng nữa dành cho “"một số vũ khí đặc biệt SKZ, SS" Ban tổ chức
quyết định trao chung cho ông Nguyễn Trinh Tiếp (đã mất) và ông Lê Tâm. Thế
nhưng một khó khăn lại xảy ra: ông Lê Tâm kiên quyết không nhận giải thưởng và
sẽ không đi nhận hôm trao giải. Lý do đơn giản thôi: như trên đã phân tích, các
loại súng của hai vị này làm ra hoàn toàn độc lập, thiết kế khác nhau, hoạt
động khác nhau, và quan trọng nhất là họ chưa gặp nhau bao giờ, làm sao lại
cùng tham gia một “công trình” được? Hãy trao Giải thưởng ấy cho ông Tiếp, ông
ấy rất xứng đáng, và đã hy sinh thì càng cần để tôn vinh hơn!
Ban tổ chức và Bộ quốc phòng
loay hoay vận động ông Lê Tâm đi nhận giải: cơ cấu tổ chức giải đã định hình,
không thêm về số lượng được, mà nếu ông Tâm không đi dự thì chỉ có bà vợ ông
Tiếp và bà vợ ông Nghĩa đi nhận giải thôi (ông Nghĩa lúc đó đang mệt nặng lại ở
HCM), và đã đưa ông Tâm vào danh sách rồi hôm đó không trao giải biết ăn nói với
quan khách ra làm sao? (Vấn đề muôn thuở - họ lo cho họ là chính thôi!). Rồi
sát đến ngày trao giải đại diện Ban tổ chức đến tận nhà nhờ “Bác Tâm giúp chúng
cháu với”. Hóa ra là hôm sau người trao giải sẽ là chủ tịch nước Lê Đức Anh,
ông ấy nhìn vào danh sách và nhận ra ngay “...đây là ông Lê Tâm, hồi đi cùng
đoàn ra bắc tôi còn xách nước cho ông này tắm mãi đây mà! (Ông Lê Đức Anh là
thủ trưởng cấp trên, chỉ thua ông Lê Duẩn thôi, nhưng hồi đi bộ từ chiến khu
Đông Nam Bộ ra đến ngoài bắc thỉnh thoảng ông vẫn xách nước cho “anh Ba” tắm,
và vì ông rất khỏe nên có lúc còn xách nước luôn cho ông Tâm trông có vẻ trí
thức loẻo khoẻo nhất đoàn!?) Thế mà mai bác không đi thì chết bọn cháu...”. Ừ
thôi thì đi...
Lễ trao giải diễn ra rất
trang trọng, giải thưởng về các công trình khoa học trong quân đội được trao
cho ông Lê Tâm và vợ ông Nghĩa, vợ ông Tiếp. Việc oái oăm đã dự đoán từ trước
tất nhiên xảy ra: ông Lê Đức Anh trao cho ông Tâm giấy chứng nhận Giải thưởng
Hồ Chí Minh đóng khung đâu ra đấy, ở trên có đề tên cả “Nguyễn Trinh Tiếp và Lê
Tâm và các cộng tác viên”. Sau đó ông Tâm phải đưa Giải thưởng ấy cho bà vợ ông
Tiếp mang về nhà để lên bàn thờ chồng – một việc rất ý nghĩa mà sau bao nhiêu
năm cống hiến của ông Tiếp mới được chính thức ghi nhận – tất nhiên là phải dán
giấy che tên ông Tâm đi, chứ chẳng lẽ lại thờ sống ông Tâm ?! Rồi sau bà vợ ông
Tiếp - một phụ nữ rất hiền lành - và ông Tâm phải đấu tranh mãi để rất nhiều
ngày tháng sau Ban tổ chức mới làm thêm được một Giấy chứng nhận nữa, trên đó
chỉ có tên ông Nguyễn Trinh Tiếp thôi. Và ông Lê Tâm được trả lại giấy chứng
nhận có tên mình, nhưng đến lượt ông lại phải xóa tên ông Tiếp đi... Tiền
thưởng cũng chia đôi, rồi ông Tâm cũng tìm được Ban liên lạc của Quân giới Nam
Bộ để xin gửi tới những người cộng sự. Họ lại tìm ra nhau mừng mừng tủi tủi sau
mấy chục năm bặt tin tức, nhiều người đã mất, mà đa số đều nghĩ ông Lê Tâm đã
hy sinh ở ngoài Điện Biên rồi...
Hôm nay chúng tôi ngồi hỏi
lại cụ Tâm câu chuyện bazooka này, sau hơn 20 năm, với cái tuổi đã cận kề trăm
cụ vẫn rất nhớ tình huống không mấy dễ chịu này. Cụ kể rằng đáng nhẽ sau 1954
có điều kiện cụ nên đi tìm và kết bạn với kỹ sư Nguyễn Trinh Tiếp. Cụ kể rằng
khi chuẩn bị cho đoàn đàm phán Hiệp định Paris cụ nhiều lần được quay lại Pháp,
nhưng sau khi về hưu với tư cách cá nhân cụ không thể quay lại được Pháp nữa,
mấy đời đại sứ ở Hà Nội đều quen cụ và bảo cụ bị đưa vào danh sách đen “những
kẻ thù của nước Pháp” – không hiểu cụ Tiếp, cụ Nghĩa có bị như vậy không?! Cụ
kể rất nhiều về cụ Nghĩa – một người anh cùng trường, một người thủ trưởng khả
kính suốt bao nhiêu năm. Ngay sau khi nhận giải thưởng Hồ Chí Minh ông Lê Tâm
đã vào Sài Gòn gặp cụ Nghĩa lần cuối trước khi ông Tâm đi họp ở Mỹ (BNG Mỹ mời
đích danh một ông già đi họp về bom mìn tại Đông Dương!?), ông vẫn nhớ khá rõ
câu chuyện hai anh em hôm đó. Cuộc đời ông Nghĩa bị quá nhiều câu chuyện đồn
thổi như truyền thuyết, cứ đeo đẳng cho đến tận bây giờ: nào là tham gia thiết
kế bom bay V1, V2 bên Đức, là “tội phạm chiến tranh” cụ Hồ phải xin cho về, nào
là chế tạo bazooka, bom bay, đạn bay thời chống Pháp, nâng tầm tên lửa Sam thời
chống Mỹ, phá thủy lôi ở Hải Phòng... toàn những việc chẳng hề liên quan đến
ông – một trí thức rất uyên thâm, một nhà lãnh đạo khoa học - kỹ thuật tài ba
và rất nhiều cống hiến về mặt quản lý. Thế là quá đủ với một đời người, một anh
hùng như cụ Nghĩa rồi. Với những người như ông Tiếp, ông Nghĩa, ông Tâm thì có
lẽ những hư danh, những giải thưởng ở đời nhất là vào lúc xế chiều như thế này
chẳng còn mấy quan trọng nữa. Tốt nhất những người viết sử dân tộc, sử ngành,
kể cả viết văn, viết báo...hãy công tâm mà trả lại sự thật cho thế hệ mai sau.
Còn 3 con người này, họ đều đã có một thời gian dài làm công tác quản lý khoa
học, nhưng họ không được làm khoa học, không phải là nhà khoa học hay công
nghệ. Họ đã có một thời gian - ngắn thôi, lúc họ còn rất trẻ - đã làm một việc
không ai muốn làm nhưng lại vô cùng cần thiết – những người làm súng cho kháng
chiến.
Bonus: cụ Tâm cho chúng tôi
biết những nét chính về vũ khí của thế kỷ 21, chúng sẽ khác thế kỷ 20 ở chỗ
nào. Xin giới thiệu sau...
Ảnh:
-ông Lê Tâm (áo trắng) đang họp với anh em trong chiến khu rừng Sác.
-các mẫu súng SS và ảnh ông Tâm tại Bảo tàng Quân giới – TP HCM (trước năm 2000
vẫn được thuyết minh là “đã chết”).
-ông Lê Tâm và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau này nhiều năm ông Tâm làm việc
dưới quyền của đại tướng, khi cụ Võ phụ trách khoa học kỹ thuật.
-giấy chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH-KT (một cách làm không khoa
học...)
-ông Lê Tâm 2016.

https://www.facebook.com/namhhn/posts/1279642222097712