
Lời nói đầu: câu chuyện sau đây dành cho những người có thời gian và chịu khó đọc chậm. Nếu bạn có nửa tiếng đồng hồ nhưng lại không muốn nghe nhạc thì hãy đọc chậm rãi câu chuyện này, về khởi nghiệp, kinh doanh, tình bạn, tình đời… Nó có lẽ còn thú vị và bổ ích hơn câu chuyện “4 kẻ đại tài khởi nghiệp” về Bill Gates và các bạn mà tôi đã viết. Nếu bạn có một
tiếng thôi thì hãy nghe những bài hát theo link Youtube trong status để nhớ lại
một thời cuối những năm 80 đầu
90 ở Nga (và Việt Nam) đầy biến
động. Còn nếu bạn có thể dành hẳn một tiếng rưỡi đồng hồ cho status này thì bạn sẽ không quên nó bao giờ nữa đâu! Câu chuyện này kể về một ban nhạc thành công nhất trong thời Xô viết và hậu Xô viết, và nguyên nhân thành công của nó (cho đến ngày nay vẫn rất được ưa chuộng) thì đến người trong cuộc cho đến hôm nay vẫn còn đang bàn cãi…
Andrey Razin (1963) đang lắc lư trong toa xe tàu hỏa, nhiệm vụ của một tay gày gò mặt búng ra sữa với chức danh “giám đốc quản lý” cho ban nhạc “Ảo vọng” (Mirage) thực chất là đi liên hệ thuê địa điểm và tổ chức bán vé trước, còn khi nào xong xuôi hết thì ban nhạc mới đến và diễn thôi. Ngoài cửa sổ đang là năm 1987, Mikhail Gorbachev lên nắm chức tổng bí thư mấy năm và đang manh nha “đổi mới” nên môi trường làm kinh tế cũng có vẻ thoáng hơn, mặc dù đời sống xã hội thì ngày càng xuống dốc vì chạy đua vũ trang với Reagan. Razin cũng đã kịp xuất hiện trên TV với vai trò ca sĩ trẻ đang lên nhưng
thu nhập chính của hắn gắn với việc khai thác “Mirage” theo kiểu “tận thu” -
đây là ban nhạc nữ, khá nổi và rất khác so với các đồng nghiệp: chọn nữ ca sĩ ngoại hình đẹp, vũ đạo là chính, hát theo điệu disco, và tuy chỉ là chân loong toong sau khi rời quân ngũ (lính xe tăng) thôi nhưng Razin nắm bắt công việc rất nhanh và sáng tạo, anh tổ chức hẳn một chiến dịch marketing rất tân tiến so với Liên Xô ngày ấy: in rất nhiều băng đĩa (in lậu thôi chứ chả xin phép làm gì cho tốn kém) rồi đi phát không cho các nữ phục vụ trên những đoàn tàu hỏa liên tỉnh, và thế là nhạc “Mirage” vang lên khắp liên bang! Tuy vậy Razin lại đang dỏng tai lên nghe một bài hát rất lạ đang phát ra từ chiếc cassette made in CCCP với 6 cục pin to tướng của người cùng toa, mà cứ một chốc lại phải thay pin. Nhạc thì cũng Euro-disco như “Mirage” thôi nhưng giọng solist là một cậu thiếu niên chạc 13-14 tuổi, với một chất giọng đanh đặc biệt khác lạ mà ai nghe qua cũng đều sẽ nhớ mặc dù khó có thể gọi đó là rất hay:
“Mùa hè” (và trong bài hát này có cụm từ
“Tháng 5 êm dịu” – Laskovyi May):
https://www.youtube.com/watch?v=xmgDniN6I0Y
Thấy người đồng
hành chăm chú nghe, chủ nhân của băng nhạc mới khoe: “Đây là bọn trẻ của một trại
mồ côi, chúng hát rất hay và cả vùng chúng tôi toàn nghe có mỗi cái băng
cassette của bọn nó thôi...”. Razin lập tức khoe mình là “giám đốc âm nhạc” của
ban “Mirage” đình đám và sau khi hỏi kỹ được địa chỉ của “Trại trẻ mồ côi số 2
vùng Orenburg” đến ga tới lật đật xuống tàu để mua vé quay ngược lại Orenburg
ngay. Trong đầu hắn đã nghĩ ngay: trẻ mồ côi chỉ phải trả ít tiền, chả ai đòi
đóng thuế, không sợ phải giải thích gì cho phụ huynh cả, các bài hát lại hay...
và quan trọng nhất là LẠ: lạ ngay từ cái tên “Tháng 5 êm dịu”, lạ từ cái giọng đanh
của thằng bé này, và một tay Kuznesov nào đó (họ này phổ biến nhất ở bên Nga!)
viết những bài nghe một lần là nhớ – phải khai thác tối đa...
Razin xuống ga mà
nhạc của “Tháng 5 êm dịu” vẫn văng vẳng bên tai:
“Mặc kệ buổi đêm
mùa đông”:
https://www.youtube.com/watch?v=ztdUkoE6BTU
Sau đó hàng chục
năm Razin bao giờ cũng kể là hắn đã mua vé ngay lúc đó để lộn lại tìm ban nhạc
trẻ mồ côi tức thì , nhưng các thành
viên “Mirage” thời đó thì lại khẳng định rằng thanh niên trẻ này về làm thủ tục
chấm dứt hợp đồng với ban nhạc đã, rồi sau đó mới đi đâu thì đi (“Mirage” phát
triển vẫn tốt, thay ca sĩ liên tục và cô nào sau này cũng thành danh, tuy rằng
không lên được ca sĩ hàng đầu... Mười mấy hai mươi năm sau mới râm ran scandal
là người diễn một đằng mà giọng ca thật lại là của người khác...còn hơn cả vụ
Milli Vanilli, nhưng ở Nga thì rồi ầm ĩ xong cũng lại thôi!). Còn bà hiệu trưởng
trại trẻ mồ côi Orenburg số 2 thì quả quyết rằng Razin đã tất tả đi Matxcơva để
xin một cái giấy giới thiệu của Bộ Văn hóa CCCP mà xuống để “chộ” bà, chả biết
thế nào nhưng Andrey Razin là con người như vậy – đa nhân cách và luôn tạo dựng
cho mình những “huyền thoại” rởm mà người khác không khó khăn lắm có thể vạch
trần...
Yuri Shatunov
(1973) là cậu bé bị bố và họ hàng bên nội bỏ rơi, bố dượng và mẹ đều mất sớm vì
chứng nghiện rượu, cậu biết được rõ nhất mình cô đơn đến thế nào khi mới 11 tuổi
ngồi bên xác mẹ suốt một ngày đêm trong bệnh viện và chẳng được ai đoái hoài.
Sau đó bệnh viện cũng chôn cất bà mẹ và trả cậu về cho bà dì (còn bà ngoại là người nuôi cậu cho đến 4 tuổi) nhưng đói
khổ quá và người cha ruột coi như chẳng có cậu trên đời nữa, thế là cậu bé vừa
mới cắp sách đi học đã bỏ, trở thành đứa trẻ lang thang khắp cái vùng quê
Orenburg miền Bashkiria. Dân tình gọi cậu
là “thằng Shatun” – vừa giống họ của Yuri vừa có nghĩa là “lang thang” – cứ thế
hàng năm trời. Có lẽ sẽ mãi lang thang vạ vật chứ khó mà nên người, nếu một
sáng mùa đông tại một bến xe buýt liên tỉnh người dân không chỉ cho bà Tazinkenova
– một bà quản lý trẻ mồ côi nổi tiếng nhân từ ở vùng này – thằng bé “Shatun”,
nó cứ vạ vật ở đây mà trời thì lạnh lẽo. Bà ấy vẫn nhớ mãi ấn tượng về thằng bé
rách rưới này, nó chả hề sợ hãi gì khi người lớn hỏi đến, đói run người và bà dẫn
nó đi mua miếng bánh mỳ kèm thêm khoanh xúc xích thì nó phồng mang trợn mắt ăn ngon
lành như thế nào. Tiếp xúc với quá nhiều trẻ có số phận éo le rồi, nhưng không
hiểu sao trong lòng bà cảm thấy thương xót đặc biệt cái đứa bé này. Bà hỏi nó
thích làm gì nhất, thì nó kể “chơi khúc côn cầu và hát”. Bà dỗ dành nó theo bà
về trại, và khá bất ngờ khi nó lại đồng ý ngay (mãi sau nó mới kể cho bà vì
sao, nó đã nghe bọn trẻ lang thang kể nhiều rồi, chỉ về trại trẻ của bà chúng mới
không bị ăn đòn!). Thế là nó lẽo đẽo theo bà về trại, và sau mấy tháng bà nhận
quyết định chuyển công tác đến “Orenburg, số 2” thì nó như đứa phát khùng, nó
trốn trại liên tục để chỉ đến nhìn thấy bà ở cơ sở mới. Trại cũ cũng thấy bất lực,
và cuối cùng bà Tazinkenova cũng xin được nó chuyển trại theo mình. Bà Tazenkenova
là một trong hai người phụ nữ Shatunov gọi là “mẹ” cho đến cuối đời, và cũng chả
ai ngờ được ở trại mới này số phận lại dành cho “Shatun” những bất ngờ mà cậukhông
thể mơ thấy được...
Sergey Kuznesov
(1964) là cậu bé mồ côi cha từ 8 tuổi, sống tập thể với bà mẹ là giám đốc một
khu nghỉ dưỡng. Hồi bé cậu đã quan tâm đến nhạc nhưng không chịu học hành, chỉ
thích phim ảnh và ban nhạc điện tử Space. 12 tuổi cậu nghịch thuốc nổ, vụ nổ
may không cướp đi sinh mạng thằng bé nhưng cậu đã chết lâm sàng, sau đó còn nằm
bệnh viện cả năm trời – có lẽ vụ nổ đó làm cuộc đời cậu rất thay đổi, và
Kuznesov cũng rất “khác” so với những con người bình thường khác. 13 tuổi đi
làm nhân viên chiếu phim cho cơ quan mẹ, 16 tuổi mới mày mò học nhạc, 17 tuổi
thì vào trường nhạc không được (chả biết nốt nào mặc dù nghe gì có thể chơi được
ngay). Sau đó cậu có học bổ túc âm nhạc, nhưng vài tháng là bỏ (rủi hay may –
khác với tất cả ở Liên Xô nhạc sỹ thì viết nhạc còn nhà thơ thì viết lời, sau
này chỉ có Sergey Kuznesov là người viết được cả nhạc cả lời! Nếu đi học đầy đủ
thì có lẽ chúng ta sẽ chỉ biết tới một nhạc sỹ Kuznesov “như tất cả những nhạc
sỹ khác” – và sau này cậu ta sẽ giải thích vì sao, và bài hát là gì...). Nếu được
biết trước về số phận thì cũng khó ai tin đây chính là tài năng sáng tác âm nhạc
lớn nhất của Liên Xô trong nửa cuối thế kỷ 20! Những bài hát đầu đời cậu ta bắt
đầu viết khi còn trong quân ngũ...
Và khi giải ngũ
Kuznesov xin về làm chân cán bộ văn hóa tại trường cho trẻ mồ côi nơi hiệu trưởng
mới được thay, đó là bà Tazinkenova. Như ta đã biết là theo chân bà chuyển về đấy
còn có Shatunov (lúc đó 13 tuổi, bé tí) và vài học viên gần gũi với bà nữa,
trong đó có Slava Ponomarev lớn nhất, đã 18 tuổi. Hai tay mơ người lớn này dự
tính lập ban nhạc, bài hát thì có sẵn của Kuznesov rồi nhưng thiếu ca sĩ,
Ponomarev nhớ ra ở bên trại cũ có thằng em Shatunov hay hát và hát hay, nhưng
sang trại mới hay bị bọn “ma cũ” đàn áp nên đang bỏ trại lêu bêu. Các đàn anh
đi túm về, nghe hát thử thấy được, bảo cho mày thành “ngôi sao” nhé, còn đứa
nào dọa đánh mách bọn tao. Cũng phải nói rằng tìm nam ca sĩ cỡ 12-13 tuổi chính
là ý định thiên tài của Kuznesov, vì chỉ có thế mới thật sự “khác người”! Thế
là ban nhạc thành hình, chưa có tên...
28/12/1986 ban nhạc
diễn buổi đầu tiên để chào mừng ngày Tết, và cũng phải có một cái tên chứ - thế
là cái tên “Laskovyi May” (Tháng năm êm dịu) ra đời – mặc dù sau này Razin cứ
nhận vơ đó là hắn nghĩ ra tên. Tại sao tháng 5 thì Kuznesov cũng chịu, chỉ thấy
nó phải “khác người” (còn Razin giải thích là tháng 5 là tháng thi nhưng sắp được
nghỉ hè, mà bọn trẻ mong chờ đến mùa hè lắm, sẽ thấy rạo rực ... nhưng sao lại “tháng
5 êm dịu” thì chịu, chấp nhận để đúng như thế, như trong bài hát “Mùa hè” của
Kuznesov). Và tất cả những bài hát tối
hôm đó sau này sẽ trở thành những bài ăn khách nhất CCCP trong rất nhiều năm tiếp
nữa, thậm chí cả bây giờ, trong đó có bài hát “đỉnh” nhất – “Những bông hồng trắng”
– bài hát được nghe nhiều nhất trong lịch sử nước Nga và cũng trở thành thương
hiệu của chính “Tháng 5 êm dịu”, với những lời hát vận vào số phận của từng
thành viên trong nhóm:
“Những bông hồng
trắng”: https://www.youtube.com/watch?v=2b2yZAHAlqg
Những tối disco trở
thành ngày hội âm nhạc và khiêu vũ thực sự cho thanh thiếu niên quanh vùng, thế
nhưng thành công chóng vánh của nhóm nhạc trẻ này qua nhanh, vì đến buổi diễn
mùa xuân mừng sinh nhật Lenin do ban giám khảo thấy cậu bé mặt búng ra sữa Yura
hát bài về tình yêu “Tuyết tan”
( https://www.youtube.com/watch?v=J30HUf13eOE )
nên đuổi việc ông
“trùm” Kuznesov và ra lệnh giải thể nhóm nhạc. Mấy tháng sau Kuznesov được bà
Tanzikenova nhận trở lại, nhưng với lý do để điểu khiển những tối nhảy disco
cho thanh thiếu niên chứ không làm phong trào nữa). Phải nói là tuy vẫn trẻ
nhưng Kuznesov đã rượu thuốc triền miên, được cái yêu âm nhạc và ban nhạc tuy
chưa được diễn lại đã ghi âm mấy bài đầu tiên lên băng cassette cũng như làm
cái phonograma đầu tiên (để chơi nhạc sẵn, chỉ cần hát nữa thôi) – chi phí mất
30 rúp của chính đàn anh Kuznesov bỏ ra. Chưa kịp bán chác được bao nhiêu (thu
về được ít tiền, Kuznesov và Shatunov mua được 2 chiếc đồng hồ điện tử giống
nhau để diện) thì mấy tay chuyên in băng nhạc lậu đã chớp thời cơ in cấp tập,
mang ra cửa nhà ga xe lửa bán... thế là những băng lậu đó tỏa đi khắp vùng, rồi
khắp nước đều nghe “Những bông hồng trắng”, rồi đến tai Razin!
Lại nói chuyện
Razin quay lại trại trẻ Orenburg số 2, gặp bà hiệu trưởng Tanzikenova, thực ra
đối với anh ta thì trại trẻ mồ côi không có gì lạ lẫm cả, bố mẹ Razin đã bị tai
nạn mất khi Razin mới một tuổi nên đã sống trong trại trẻ mồ côi nhiều năm, rồi
mới được bố mẹ nuôi đón về. Razin cố tình khoe ra tập giấy tờ có in quốc huy và
chữ “Bộ Văn hóa CCCP” in nhũ vàng (thời đó làm gì có ai có visit card nếu không
được phép in của Bộ!). Và đề nghị được thuyên chuyển ban nhạc tài năng của trại
này về Matxcơva để tiếp tục dạy dỗ, phát huy... Hiệu trưởng Tanzikenova còn nửa
tin nửa ngờ, nhưng Yura thì đang trốn trại bởi lý do đàn anh Kuznesov bị đuổi
việc (do ăn cắp loa đài đem bán, và điều này có vẻ rất giống với sự thực,
Kuznesov ở đâu chả “khác người”). Razin tìm được Kuznesov và Pakhomov – một cậu
bé có giọng ca cũng rất khá, và dỗ được 2 anh em ấy đi cùng về thủ đô, tất
nhiên Kuznesov đang thất nghiệp và thích nổi danh không cần phải thuyết phục
lâu đâu. Vài tháng sau Razin nhờ Kuznesov mãi mới thuyết phục được Shatunov rời
“mẹ” để lên thủ đô, việc mà sau này Kuznesov coi là lỗi lớn nhất trong cuộc đời...
Thực ra Razin tuy
rằng vẫn chỉ là một tay “mặt búng ra sữa” trong làng nhạc Liên Xô thời đó
nhưng với kinh nghiệm từ “Ảo vọng” và
tính khôn ranh vốn có đã hiểu ra vấn đề: có được mấy đứa trẻ trong bạn nhạc này
thì sẽ được quyền kinh doanh toàn bộ những bài hát đã sẵn có, phối sẵn, hát sẵn
của “Tháng 5 êm dịu”, và những bài ấy đang lan tỏa chóng mặt trên khắp mọi nẻo
đường nhờ công nghệ sao băng lậu và vấn đề bản quyền lỏng lẻo. Thậm chí dân Nga
nghe mấy bài hát của bọn trẻ em trại mồ côi này có lẽ còn nhiều hơn cả Modern
Talking của Đức lẫn tay ca sĩ láu lỉnh dịch ra tiếng Nga hát lại Sergey
Minaev ấy chứ! Vậy mà sau này Razin luôn
kể công là bỏ tiền ra in hàng núi băng cassette rồi phát cho tất cả các con
tàu, các quán băng đĩa ngoài trời, các tiệm ăn... để khắp nơi vang lên hits của
“Tháng 5 êm dịu” nhưng thực ra điều ấy đã được Kuznesov vô tình làm từ hơn một
năm trước rồi. Lại ranh ma hơn, Razin trong lúc tập dượt với ban nhạc tại thủ
đô thì đã âm thầm cho “xuống núi” hàng loạt những ban nhạc “Laskovyi May” giả -
cũng vài ba chú bé cầm micro hát nhép những bài hát của Yuri và các bạn đã ghi
sẵn, khán giả cả nước chỉ được nghe qua cassette chứ đã được nhìn thấy ban nhạc
“xịn” bao giờ đâu! Cũng phải công nhận tài tổ chức của Razin: ban nhạc “Tháng 5
êm dịu” xuất hiện cùng lúc ở 3-4 thành phố thuộc Liên Xô là chuyện bình thường,
bán vé thu tiền đã đời... Và trong những lúc khó khăn nhất khi tổ chức những
chuyến lưu diễn như vậy Razin có một độc chiêu mà được sử dụng đi sử dụng lại:
tay này có một ảnh vợ chồng Gorbachev-Raixa với con gái và một chú nhóc trên
bãi biển Stavropol quê hương – chú nhóc ấy Razin tự nhận là mình hồi thơ ấu, vì
là “cháu ruột Gorbi”. Chả mấy ai dám nghi ngờ cháu tổng bí thư...
Nền nhạc pop Xô
viết chưa bao giờ thấy hiện tượng PR nhanh và bài bản như “Tháng 5 êm dịu”: chỉ
trong vòng vài tháng từ chỗ chưa được ai biết đến cho đến lúc khắp các địa
phương chỉ mong chờ được đón ban nhạc đến diễn, Yuri Shatunov trở thành siêu
sao ngay khi còn chưa bước lên sân khấu lớn. Khi Kuznesov biết việc các ban nhạc
giả đang làm mưa làm gió ngoài kia và dọa kiện thì Razin đành xuống nước, triệu
tập đầy đủ thành viên ban nhạc “Tháng 5 êm dịu” từ quê Orenburg lên thủ đô, đồng
thời thông báo tuyển “học viên âm nhạc” cho dự án cùng tên (tức là giải thích
được cho việc những ban nhạc “nhái” vẫn tiếp tục kiếm tiền!). Nó gồm: Yura
Shatunov (hát), Sergey Serkov (trống), Sasha
Priko (keyboard), KostyaPakhomov (hát), Misha Sukholimov (keyboard), Igor
Igoshin (trống, phách)… và chỉ đạo nghệ thuật kiêm tác giả, kiêm phối khí hòa
âm, kiêm keyboard Sergey Kuznesov! Razin cũng vừa làm “sếp trưởng” vừa làm ca
sĩ – có lẽ điểm yếu duy nhất của tay láu cá này đó là rất muốn làm một việc
không hợp với sức mình – ca hát!
“Những bông hồng
trắng”: https://www.youtube.com/watch?v=U66HGDW6lPw
«Mùa hè” đã được
thu âm khá hơn hẳn:
https://www.youtube.com/watch?v=BfVoAyHJQqk
“Thế em thì sao”:
https://www.youtube.com/watch?v=ZGVxd6rxAM8
Tuyển tập bài hát
có sẵn rồi – của Kuznesov (album đầu mang tên “Những bông hồng trắng” luôn),
theo kiểu Euro-disco thịnh hành tại châu Âu thời đó (cũng phải nói là đã qua thời
làm mưa làm gió của mấy ca sĩ, ban nhạc Ý rồi, và những ca sĩ truyền thống kiểu
Alla Pugacheva, Leonchiev, Vaikule... cũng đã nhàm, nay đến thời của Modern
Talking với Bad Boys Blue và “Tháng 5 êm dịu” có bị ảnh hưởng một chút ít của dòng
nhạc này). Tất nhiên chất lượng thu âm phải hơn thời “30 rúp” tại Orenburg rồi.
Ý tưởng thiên tài của Kuznesov (ban nhạc thiếu niên dành cho tuổi teen) càng được phát
huy tác dụng, còn hơn thế nữa, Yuri Shatunov trở thành thần tượng không chỉ của
các em gái teenager, mà cả của rất nhiều các bà, các mẹ, các chị!
Razin tuy mải tổ
chức cho những “bản sao” của “Tháng 5 êm dịu” đi lưu diễn khắp nơi kiếm tiền
(trung bình mỗi buổi thu nhập trên dưới 50000 rúp – lương của kỹ sư lúc đó khoảng
150 rúp/tháng là nhiều, còn lưu học sinh Việt Nam nhận 90 rúp/tháng vẫn sống tốt)
– nhưng phải nói hắn tuy trẻ nhưng có tài tổ chức rất khá. Lúc đầu hắn đến xin
trụ sở Đòan thanh niên cho ở tạm, thế là giữa trung tâm tại trung ương Đoàntrên
tầng 4 người ta quây thành chỗ ăn ở tạm cho hơn chục con người – còn bên kia phố
là căn hộ của Alla Phugacheva và “nữ hoàng nhạc nhẹ” này lúc đầu chưa thể tưởng
tượng được mấy thằng nhãi ranh này tập luyện nhạc nhẽo cái gì. Sau một thời
gian và tiền kiếm được quá nhiều Razzin chuyển ban nhạc sang ở những căn hộ có
bảo vệ chặt chẽ, riêng Shatunov và Surkov (trống) là hai con cưng được ở chung một
căn hộ còn tất cả số còn lại ở chung căn khác. Ăn uống thả phanh, cấm tiệt hút
thuốc và uống rượu, bạn gái nữa thì càng không, phạt trừ tiền cực nặng! Mỗi buổi
diễn một thành viên bất kỳ đều được tính 50 rúp, riêng Shatunov thích tiêu bao
nhiêu tiền cứ bảo thủ quỹ chi thôi. Ban đầu niềm vui của mấy đứa trẻ mới chỉ là
chơi điện tử và cuối tuần đi ra chợ mua mấy thứ đồ tầm tầm...
Nhạc của “Tháng 5
êm dịu” có thể nghe ở khắp nơi: bến xe, cửa ra vào metro, ngoài chợ, những quán
hàng ăn, ký túc xá, trong xe ô tô... Những lúc cấp tập nhất ngoài ban nhạc “thật”
có Sergey Kuznesov và Yuri Shatunov ra (mỗi ngày có lúc lên đến 8 xuất diễn!)
còn có tới 12 “clone” của Razin lập ra để chạy đi các địa phương hát thu tiền,
chưa kể những kẻ giả mạo khác nữa (tổng cộng là 68 theo lời của Razin!).
“Đêm bạc trắng”:
https://www.youtube.com/watch?v=ze4Xh-bGLDE
Yuri Shatunov bỗng
chốc trở thành thần tượng của lứa tuổi teen, đặc biệt là các cô gái. Mặt sáng,
thường hay mặc quần thể thao, giày thể thao cao cổ, áo bò phanh ngực, tóc cắt
cao... cậu bé hình như còn chưa lún phún râu ấy làm tan chảy biết bao nhiêu
trái tim phụ nữ - có thể gọi không ngoa cậu là sex symbol của CCCP thời đó!
“Buổi tối hồng”:
https://www.youtube.com/watch?v=UKuzjQY7asM
Giới trẻ thật cuồng
nhiệt với thần tượng Shatunov :
“Mùa hè”: https://www.last.fm/ru/music/+noredirect/Ласковый+май/_/Лето
Ít ỏi nhưng có những
bài chậm, buồn của Sergey Kuznesov viết, như “Mama” (Mẹ) - Đây có lẽ là bài hát
tiếng Nga hay nhất dành cho những người Mẹ!
https://www.youtube.com/watch?v=bT69A_lB8As
Đây có lẽ là bài
hát buồn và sâu lắng nhất của Sergey Kuznesov, nhiều người bảo anh viết bài này
cho người bạn nhỏ Shatunov đã mất người mẹ thân yêu nhưng thực ra đây cũng là số
phận của rất nhiều thành viên trong “Tháng 5 êm dịu”. Bài hát là lời tâm sự của
một bạn nhỏ với người mẹ đã khuất:
“Con tan trường,
thành phố mưa xối xả vào một ngày buồn và tang thương. Những cái cây đẫm nước
chả khác gì những vệt máu trên áo choàng bệnh nhân. Có bệnh nhân khác đang ở
trong phòng bệnh của Mẹ rồi, vào chính cái ngày này, ngày sinh nhật của Mẹ.
Mẹ ơi, cứ mặc thu
lạnh và sấm chớp gõ cửa nhà ta – Mẹ lúc nào cũng bên con. Mẹ ơi, con bỏ được
thuốc rồi, thôi cũng không lanh thang đêm hôm như hồi còn mẹ đâu. Mẹ ơi, con sẽ
thắp nến trong phòng ngủ của mẹ, nó lạnh lẽo quá rồi, từ ngày tai họa đó...
Giờ đây con tự mở
khóa nhà chứ không như trước nữa, trên đời mọi sự đã đổi thay vào đúng cái ngày
từng là ngày vui của Mẹ.
Mẹ có nhớ con từ
trường vào nhà, hoa giấu sau lưng, còn bên ngoài cửa sổ đang mưa chớp tháng mười
bão bùng.
Mẹ có biết con đã
vội vàng xé những trang sổ liên lạc dưới nhà tối tăm không, con của Mẹ không
nghe lời và hư lắm.
Mẹ vẫn thường
ngóng đợi con tới khuya, im lặng khóc và cầu nguyện những lúc con vắng nhà. Thấy
không, hóa ra giờ thì ngược lại...
Mẹ ơi, cứ mặc thu
lạnh và sấm chớp gõ cửa nhà ta – Mẹ lúc nào cũng bên con. Mẹ ơi, con bỏ được
thuốc rồi, thôi cũng không lanh thang đêm hôm như hồi còn mẹ đâu. Mẹ ơi, con sẽ
thắp nến trong phòng ngủ của mẹ, nó lạnh lẽo quá rồi, từ ngày tai họa đó...
Con từ trường về,
lại thấy cái ngày buồn tang thương này. Mùa thu ngu ngốc quất những ngọn roi
mưa gió từ trên trời lên thành phố. Nhưng mặc mưa gió – cho tất cả biết con là
đứa bướng bỉnh như thế nào – con sẽ chỉ nhớ đúng một điều là mua hoa tặng Mẹ”.
“Thuốc dành cho cả
nước”- đó là đánh giá mang tính miệt thị về chất lượng âm nhạc của “Tháng 5 êm
dịu” , các nhạc sỹ có học hành hay những nhà phê bình hay gọi như vậy, ý là cái
bọn trẻ này chỉ dựa vào thế là trẻ mồ côi, gây thương xót trong lòng phụ nữ để
bán vé, chứ nhạc “phèng phèng” thế này thì chả ra cái quái gì, chỉ vì kinh tế
đang khó khăn nên nhà cầm quyền mới dung túng cho lưu hành để xoa dịu lòng dân
mà thôi. Một kẻ như Razin, tuy còn rất trẻ nhưng đã phút chốc trở nên siêu sao,
thu nhập hơn tất cả các ngôi sao kia cộng lại thì không thể nào không thù dai
được! Hắn tìm hiểu lịch lưu diễn của Alla Pugacheva - ngôi sao chính thống tiếng
tăm nhất bấy giờ - trong vòng mấy tháng sắp tới, sau đó tổ chức tua diễn của
“Tháng 5 êm dịu” theo đúng lịch trình đó nhưng sớm hơn một hai ngày. Đã đang
“hot” lại diễn trước nên Shatunov và đồng nghiệp lúc nào cũng bán hết vé, dù đó
là thính phòng vài nghìn người hay sân vận động mấy chục nghìn chỗ, còn Alla đến
sau thì bà con đã đi xem rồi, hết tiền rồi lấy đâu ra mà mua vé nữa! Alla biết
được cũng thù lắm, nên quay trở về Matxcơva phục thù, là nơi thông thổ của cô ấy.
Thế nhưng cuộc đấu ấy chị ta cũng lại thua quá dễ dàng, Alla và tất cả những ngôi sao nhạc nhẹ CCCP
làm chương trình thường niên “Những buổi tối Phục sinh” tại sân vận động
Olympic do Alla, Raymon Pauls, Rotarau, Anne Veski… dẫn đầu làm chung một
chương trình (cỡ khoảng 30 ngôi sao!) và bán được 16 buổi nhưng không kín chỗ,
thế nhưng “Tháng 5 êm dịu” chỉ đơn giản thông báo chương trình, và đã dễ dàng
bán hết vé cho 17 buổi (mỗi buổi 40000 vé! ). Đấy là chưa kể giá vé của Alla và
đồng nghiệp chỉ từ 3 đến 6 rúp, còn của Shatunov và các bạn là 9 rup – cô nàng
đành bỏ cuộc mặc dầu tất cả báo chí, đài phát thanh đứng về phía “những nghệ sỹ
ưu tú” của CCCP. Sau này đàn chị Alla có quan hệ rất không tồi không phải với
tay quản lý Razin mà với cậu bé Shatunov “ triệu phú từ khu ổ chuột”, cô còn đi
cả về quê Sochi của Shatunov và ghen tị mãi với ngôi biệt thự bãi biển của cậu
bé mà cả đời ca hát đỉnh cao của cô cũng chả lo được như thế...
Thế vẫn chưa ly kỳ
bằng việc “Tháng 5 êm dịu” đã cứu Michael Jackson – siêu sao đến Moscow nhưng
bán vé cho mấy đêm diễn trầy trật. Ban tổ chức đề nghị Razin giúp, bằng cách
cho đăng lên những pano quảng cáo là “sẽ có sự góp mặt của ban nhạc “Tháng 5 êm
dịu” – thế là chỉ trong mấy giờ đồng hồ vé bán hết bay. Razin đút túi bao nhiêu
tiền trong vụ này thì chưa thấy ai nói tới…
Fans hâm mộ vẫn càng ngày càng đeo bám Yura quyết liệt hơn
:
“Mùa hè”: https://www.last.fm/ru/music/+noredirect/Ласковый+май/_/Лето
Phải nói trước
đây và sau này không có mức độ các thiếu nữ Nga say đắm thần tượng điên cuồng như
đối với Yuri Shatunov: họ ôm hoa vào tặng thần tượng, lao lên sân khấu, xé quần
xé áo, rú rít lên – làm đội bảo vệ và vệ sỹ của anh cũng nhiều ca hú vía. Và có
nhiều trường hợp thất tình mà tự tử... Yura là một đứa trẻ lớn lên trong đói khổ,
cậu không thể hiểu được những cô bé trong trường hợp này – “dường như họ có đầy
đủ tất cả, bố mẹ, bạn bè, có nhiều tiền để vòi vĩnh đi xem những buổi ca nhạc
thế này, thế mà lại tự tử thì đó chỉ hoặc do giáo dục kém cỏi, hoặc do đầu óc
có vấn đề...” – cậu nghĩ vậy và trên sân khấu thì cười vui với các cô gái nhưng
ngoài đời cậu tránh xa, thậm chí khá căm ghét những loại “fan hâm mộ” kiểu đó.
Razin thì im lặng nhưng ngầm hưởng ứng, bởi càng như thế thì Yura “của Razin”
càng an toàn và càng có giá...
“Mặc kệ buổi tối”:
https://www.youtube.com/watch?v=CCg12brcuZU
1989 đến với nền
kinh t��� đã gần kiệt quệ, những hàng dài xếp hàng tại những cửa hàng lương thực
với các quầy hàng rỗng tuếch, thế nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến “Tháng 5
êm dịu”:
“Mùa hè đã đánh lừa
chúng ta”:
https://www.youtube.com/watch?v=ll9l2Giy79s
(Pakhomov hát, Satunov đánh trống giả vờ...Kuznesov hạnh
phúc trên sân khấu). Còn nếu nghe trên những băng cassette “xịn” thì nó sẽ thế
này:
https://www.youtube.com/watch?v=CGFrafmktuI
“Buổi tối hồng”:
https://www.youtube.com/watch?v=YBiDXD8mx9Q
“Tuyết đang tan”
– với rất nhiều lời ca triết lý:
https://www.youtube.com/watch?v=hXyK05XPGtY
Razin cũng hát:
“Rừng già”:
https://www.youtube.com/watch?v=nNE3Irv85rQ
Tất nhiên bài hát
được trông đợi nhất bao giờ cũng vẫn là “Hoa hồng trắng” – với cái giọng rất
đanh và lại đang dậy thì của anh thì vào năm 89-90 bài hát này được trình diễn
hay nhất:
https://www.youtube.com/watch?v=9jeUiphA_9c
Razin và tay chân
khéo léo đẩy Shatunov vào tư thế “thiên tài” và bằng cách đó đẩy anh ra xa dần các
bạn. Những thành viên khác có thể bị đuổi, cắt hợp đồng vì những lỗi không phải
là quá lớn: uống rượu, cãi lại Razin hay thậm chí Serkov bị “dí” một cô gái
không quen từ ban công vào phòng và sau đó bị phát giác – cậu ta cũng được
nuông chiều và là bạn thân nhất của Shatunov vậy nên Razin đuổi đi để chuẩn bị
cho một âm mưu rất sâu xa sau...
“Đơn giản đã từng
là bạn” – bài hát Kuznesov viết chính cho bản thân, có thể linh cảm được việc
chia tay với “Tháng 5 êm dịu” và Yuri Shatunov ... Điều này cũng sẽ đúng với
Shatunov và Razin, cũng đúng với tất cả các thành viên của “Tháng 5 êm dịu” hồi đó và sau này!
https://www.youtube.com/watch?v=3cWnwpytY1g
“Không biết bạn
nay đang ở đâu với ai và bạn bè với ai, tôi đã từng có rất nhiều bạn, nhưng khi
đã gặp nhau tôi đã không phải mặc dù biết bạn không khen tôi bằng những lời sáo
rỗng và luôn bằng vai phải lứa với tôi...
Đơn giản bạn đã từng
là bạn, là một phần của tôi, đã chịu những đòi hỏi oái oăm của tôi. Đơn giản bạn
đã từng là sự thật và ngọn lửa và không chấp nhận những con tem bưu điện...
Chúng ta đối thoại
nửa đêm về việc cái Ác có mặt nạ và Tình bạn cũng được bán mua từ lâu, và sự dối
trá của người bạn lúc nào cũng nguy hiểm.
Đơn giản bạn đã từng
là một phần của tôi, đã chịu nhịn với tôi...”
Năm 1989 những
ngày hạnh phúc bên nhau chóng qua, Kuznesov sớm rời ban nhạc, trở về quê cũ
Orenburg – để lại đằng sau đứa con tinh thần “Tháng 5 êm dịu”. Nguyên nhân thì
vẫn là chuyện rượu chè của anh, nhưng có lẽ Razin và lũ tay chân cố tình khéo
léo đẩy anh đến chuyện rã đám này, bởi vì điều khiển lũ trẻ mà không có đàn anh
Sergey Kuznesov dễ hơn nhiều! Kuznesov đã đòi quyền lợi như một tác giả bài hát
cho cả loạt những bài mà “Tháng 5 êm dịu” đã, đang và sẽ trình diễn nhưng Razin
cáo già hơn, hắn biết đánh vào tính nghệ sỹ và lòng tự trọng của người khai
sinh ra ban nhạc, và thế là Kuznesov lên đường với hy vọng là Razin sẽ thanh
toán như đã hứa hẹn thế nào đó, còn anh thì đầy tự tin rằng sẽ lập ra một ban
nhạc mới chẳng khó khăn gì, sẽ đè bẹp “Tháng 5 êm dịu” bây giờ là của Razin. Chỉ
một khó khăn mà Kuznesov cũng biết và tìm mọi cách lôi kéo Yuri Shatunov theo
mình nhưng luôn bị Yuri từ chối mặc dù họ vẫn luôn là bạn vong niên – có thể
đây là quyết định sáng suốt nhất của ca sỹ này trong cuộc đời. Và thế là
Kuznesov khai sinh ra ban nhạc “Mama” với những ca sỹ còn trẻ hơn Shatunov nữa
(!?) rồi sau đó tiến hành một loạt những dự án âm nhạc khác. Nhưng không có
Shatunov, không có Razin, chẳng đủ tiền và sống khá buông thả nên mọi cố gắng của
anh đều thất bại, cả nước biết anh là cha đẻ của “Tháng 5 êm dịu” nhưng họ
không chấp nhận những sáng tác mới của anh nữa, mà hát những bài cũ thì không
thể có được sự quyến rũ chết người như Shatunov – mọi so sánh đều thiệt thòi
cho Kuznesov, người ta chỉ còn theo dõi anh như một người 30 năm đeo đẳng đòi
tiền một kẻ láu cá giàu sụ và cực ki bo là Razin. Kuznesov viết một bài rất buồn
nói về sự ra đi của mình – và năm 1994 khi Shatunov cũng đã rời ban nhạc anh đã
hát lại rất hay và có lẽ đến lúc đó mới thực sự hiểu đàn anh Kuznesov đã phải
trải nghiệm những gì:
“Kẻ trốn chạy” : https://www.youtube.com/watch?v=8IhDOxYfowU
(Tâm tình của người
bỏ xứ trở về quê cũ:
“...Không, ta
không đầu hàng, không phải tội phạm, đơn giản đang chạy trốn
Còn thành phố
sáng sớm vừa độc ác vừa khổng lồ không hề thân thiện
Thà chết lạnh mùa
đông trong tuyết trắng
Còn hơn là cứ ở
nhà mà thấy mình như kẻ vô gia cư...)
Razin có thể được
coi là triệu phú tiền đô đầu tiên của CCCP, trước cả “triệu phú đầu tiên” Artem
Tarasov – người mang hàng bao tải tiền đi để đóng đảng phí. Mà thời đó muốn làm
ăn nổi nổi một chút (tổ chức biểu diễn thì nổi nhất rồi) không thể nào không nhận
“được” sự quan tâm của KGB và maphia. Sau này Razin trả cho maphia 20% tổng thu
nhập để nhận được sự bảo kê của ông trùm maphia nổi tiếng nhất tại Moscow thời
đó – Otari Kvantrishvili – mà Razin sau này láo lếu đi khoe rằng ông vua không
ngai của thủ đô đi làm thuê cho hắn! Một lần ở Kiev maphia Ucraina đã bắt cóc một
thành viên của “Tháng 5 êm dịu” ngay trên đường đi lên sàn diễn bất chấp cả tá
vệ sỹ, đòi 20 nghìn rúp tiền chuộc chứ không thì “sẽ gửi cái đầu với cái tay” về
cho ban nhạc. Razin nghĩ ngay rằng số tiền đối với hắn không hề lớn nhưng nếu
trả một lần thì sẽ còn phải chờ những đợt bắt cóc, tống tiền tiếp theo nữa nên
gọi gấp cho “Otarik”. Lập tức Otari dẫn quân thuê cả máy bay chở khách bay xuống
Kiev, mời tất cả “anh tài” của Kiev lại và tuyên bố rõ: “Tháng 5 êm dịu” là “dự
án” của Otari, đề nghị thả người ngay lập tức, nếu không sẽ có chiến tranh! Và
thế là chú bé trong nhóm được thả ngay. Nhưng đến 1994 thì chính Otari lại đã
chết bởi 3 viên đạn bắn tỉa ngay tại Matxcơva...
1991: CCCP tan
rã!
“Những bông hồng
trắng mùa đông trắng” (hay “Những bông tuyết ngốc nghếch”): https://www.youtube.com/watch?v=c_kH-YYiamM
Quan hệ của Razin
với Mikhail Gorbachev phải được làm rõ riêng ra,v ì trong số phận của Razin
cũng như “Tháng 5 êm dịu” nó có một vai trò khá lớn. Như ta đã biết cậu bé
Andrey Razin mất cha mẹ rất sớm, và được người ta nhận về nuôi tai vùng
Stavropol – cũng là quê của tổng bí thư “Gorbi”. Và thế nào cậu bé này lại rất
thân với bà mẹ của tổng bí thư, đúng hơn là bà láng giềng này rất thương cho
thân phận cậu nhỏ này từ lúc con bà mới làm bí thư của vùng. Với tấm ảnh chụp
gia đình Gorbi đứng cùng cậu nhỏ Razin và phong cách nói dối không biết ngượng
mồm mọi cánh cửa đều được mở toang cho đến khi... KGB báo cáo Gorbachev rằng
“Tháng 5 êm dịu” chỉ trong hai năm đã kiếm được số tiền hơn 400 triệu USD (còn
tổng số tiền thu được trong 6 năm có mặt Shatunov có thể vượt quá con số 1 tỷ
USD – sau này sẽ là báo cáo của KGB cho tổng thống Yeltsin). Lập tức các ban
ngành vào cuộc, hàng loạt giám đốc của Razin bị bắt giữ, nhưng KGB vẫn “sợ” rằng
cậu là cháu Gorbi thật! Không dám hỏi lãnh tụ nên KGB hỏi trưởng ban bảo vệ cho
bà mẹ Gorbachov, thì tay này (có lẽ đã ăn tiền của Razin) bảo rằng chính xác
thì phải hỏi sếp thôi, nhưng trong họ không thấy ai thân và gần bà mẹ hơn
Razin.
Sau đó Giám đốc KGB
Kriuchkov viết báo cáo mật (8 trang!) cho tổng bí thư là Razin chuẩn bị ám hại
chính ân nhân của mình, cần mang đi xử bắn! Nghe tưởng chừng vô lý vì Razin nhờ
vào bức ảnh hồi trẻ con mà đi dọa nạt được khắp nơi. Thế mà thực tế đấy, số là
năm Razin học lớp 3 thì Gorbachev có đến thăm trường phổ thông, cu cậu cậy có
tý quen chạy ra đón và giữa chỗ đông người mách lẻo cho lãnh đạo đảng về việc bị
giáo viên đối xử khá tệ. Tất nhiên lãnh đạo phải bênh người lớn rồi, và sau khi
Gorbi đi khỏi trường cu cậu bị giáo viên xạc cho một trận nhớ đến già – thế là
thù hằn cả đời! Razin thuê chính quân KGB để theo dõi và định dùng súng bắn tỉa
để trừ khử lãnh tụ… Câu chuyện lộ ra, Razin đáng nhẽ phải rũ tù, quan hệ và tiền
tệ cũng chả cứu được anh ta khỏi án tử. Thế mà cuối cùng chính bà mẹ Gorbi lại
đã cứu anh – bà không tin, giấu anh ở nhà rồi gọi điện lên thủ đô cho Mikhail
Gorbachev xin hộ cho “mấy thằng bé mồ côi”. Gorbachev cũng phải lắc đầu và gọi
thằng cháu đểu này là “Ostap Bender thời hiện đại” hoặc “tên đểu cáng thiên tài”
– cái tên này sẽ theo đuổi Razin cả đời…
Yeltsin cũng chả
lạ gì Razin là đứa lèo lá, nhưng đã chuyển cho hắn tất cả hồ sơ KGB về
Gorbachev vàhắn – nghĩ rằng mối thù cá nhân này sẽ đẩy Razin và Gorbi đến chỗ đối
kháng đến tận cùng. Nhưng khi đội ngũ của Yeltsin mãi không thấy Razin hành động
gì mới hỏi thì nhận được câu trả lời: “Hãy để gia đình chúng tôi tự xử lý
nhé!”. Chả biết lương tâm cắn rứt hay thấy việc quá khó nhưng Razin quả là để
Gorbi yên... cuối cùng ông già say rượu Yeltsin cũng lẫn hết cả, chả biết hắn
có họ quái gì với Gorbi hay không nữa. Hơn thế nữa, đến lần bầu cử sau năm 1994
hắn công khai ủng hộ và cung cấp tài chính cho Ziuganov – đại diện của Đảng Cộng
sản. Phỏng vấn vì sao thế hắn trả lời tỉnh bơ: “Trong tôi tình cảm yêu nước trỗi
dậy khi thấy tất cả làng nghệ thuật chạy theo đuôi Yeltsin. Và bà tôi (lại nhận
vơ - mẹ Gorbachev) sẽ bỏ phiếu cho Ziuganov thì tôi không thể đổi cái tình cảm đó
để lấy tiền! Tôi sẽ ủng hộ Đảng cộng sản và Ziuganov bằng tiền thu về được từ
300 buổi ca nhạc của những “Tháng 5 êm dịu” nhưng “rởm”!
1992 “Buổi tối đầy
sao” – có lẽ là đỉnh cao của chàng trai đầy quyến rũ với phái đẹp Yuri
Shatunov:
https://www.youtube.com/watch?v=86YgPmr9mfc
Các chàng trai
“Tháng 5 êm dịu” không thể cảm nhận được cuộc khủng hoảng kinh tế sâu đậm thế
nào, đơn giản vì họ có quá nhiều tiền. Họ có máy bay riêng Yak-40 lâu rồi (cũng
là Razin dùng đến mẹo “cháu tổng bí thư” chứ hồi đó có tiền cũng chả kiếm được
máy bay). Từ lâu hội trẻ đã đi bằng xe chính khách của CCCP “Hải âu” , ZIL hay
đi ... xe mô tô 3 bánh BMW đằng trước, còn đằng sau là xe vệ sỹ hộ tống.
Shatunov thỉnh thoảng bay về nhà nghỉ ở Sochi bằng máy bay trực thăng, thuê
thôi nhưng nhiều lúc đám trẻ quên cả việc taxi cũng như trực thăng, tính tiền
theo giờ và thế là để đứng chờ cả đêm. Tiền không ai đếm trừ Razin...
Có đợt biểu diễn ở
vùng Xibery xao xôi, bán vé thu về toàn tiền mặt, 6 rúp/vé thu về 180 nghìn rúp
cứ thế quẳng vào mấy bao tải. Lại phải tiếp tục đi tới điểm diễn khác cách đó cả
nghìn cây số, không lẽ cứ lặc lè vác theo, còn để lại biết gửi ai bây giờ?
Razin lần đầu tiên tỏ ra lúng túng, đành hỏi ý kiến cả đoàn. Shatunov đề nghị “chôn
trong rừng” – có lẽ quá khứ lang thang của cậu bé đã mách bảo hướng giải quyết
được mọi người đồng thuận. Thế là Razin bảo người lái xe buýt chở vào rừng – mùa
đông lạnh giá, phải nói dối là ban nhạc có nghi thức tâm linh trước khi đi xa
phải vào rừng làm lễ - rồi vào rừng đào tuyết chôn mấy bao tải xuống, không
quên đánh dấu để trên đường về còn rẽ vào tìm mà bới lên... Lần khác Razin nghe
“bà” (mẹ Gorbachev) mách qua điện thoại là có tin sắp đổi tiền, mà tiền của
Razin toàn xếp gọn trong bao tải chất kín mấy căn hộ của hắn, còn thừa cũng lại
để bao tải gửi đủ các nhà bạn bè, họ hàng – thế là Razin vùng tay mua tứ tung bất
động sản, xây nhà như cung điện, thậm chí còn định mua cả tượng đồng khổng lồ của
“ông tổ KGB” bị giật đổ ở thủ đô mang về dựng trong sân. Vẫn không thể hết được,
gấp quá rồi nên hắn thuê một cái xe buýt Ikarus, chất đầy bao tải tiền lên đấy
rồi đi ngay trong đêm đến thành phố khác, vì chỉ ở đấy mới có lò siêu tốc để...
đốt, chỉ 5 phút một mẻ! Đêm ấy kịp đốt hết, ngày hôm sau đổi tiền, nhưng hóa ra
cái lò ấy nhanh thì nhanh thật nhưng đốt cháy không hết, mười mấy năm sau người
ta lại phát hiện ra tàn dư của vụ đốt tiền bí ẩn đó, có nhiều tờ tiền vẫn còn
nguyên! Một tỷ đô đi đâu? Cho đến bây giờ các lực lượng cả chính quyền lẫn xã hội
đen vẫn còn đang tìm! Trong tài liệu của an ninh cho đến bây giờ “Tháng 5 êm dịu”
là một băng đảng tội phạm có tổ chức…
Nhiều thành viên
trẻ bị đuổi, chỉ có được một ít tiền (từ số tiền khổng lồ 1 tỷ đô kia – và tiêu
hết rất nhanh) và hầu như sau khi ra khỏi “Tháng 5 êm dịu” chẳng có mấy thành
viên nên người nhất là trong ca nhạc, đơn giản họ còn quá trẻ và chưa có bất cứ
quan hệ nào trong giới nghệ sỹ bởi trước kia mọi việc đều do Razin lo!
29/9/1993 Shatunov và Sukholimnov vừa bước ra khỏi căn hộ ở thủ đô đi ra phố
thì bị bắn, ai đó nhằm vào Shatunov nhưng trượt, đạn găm vào trán ông bạn,
Shatunov là người lôi xác bạn ngược lại vào căn hộ. Razin lập tức cho lệnh tất
cả nghỉ, chuyển hết về Sochi, biệt thự tường cao 3m với 20 vệ sỹ và 8 chó
săn... trong khi chưa tìm được kẻ tình nghi – có một kẻ giấu mặt đã tuyên bố, rằng
hắn chả cần gì tiền hay đền bù gì cả, chỉ muốn cho Shatunov không hát nữa! Cảnh
sát không tìm được tăm tích gì, cho đến 10 năm sau có một kẻ tâm thần sắp chết
mới thú nhận, rằng hắn đã không chỉ một lần tấn công “Tháng 5 êm dịu”! Sau thời
điểm đó ban nhạc mới chơi trở lại... Có thể nói rằng một số phận rất nặng nề
đón chờ những thành viên của “Tháng 5 êm dịu”: trong số hơn 30 thành viên qua
các thời kỳ có đến 11 người đã mất đi, người lớn tuổi nhất trong số đó sinh năm
1969!
Nhưng Shatunov
không chờ, mà đã chia tay ngay 1993. Anh bảo chỉ muốn đi học và tìm những vận hội
mới, bất chấp tất cả đe dọa hay dỗ dành từ phía Razin. Khỏi nói Razin cản phá đến
thế nào, nhưng Shatunov quyết rồi, hắn đòi bằng được giấy tờ để ra đi! Shatunov
không thôi hát, anh vẫn hát các bài cũ (và có cả bài mới) nhưng ở những địa điểm
nhỏ hơn, hay xa xôi hẻo lánh hơn. Rồi năm 2000 anh gặp cô gái người Đức gốc
Nga, tiếng sét ái tình đưa anh sang Đức và anh thường xuyên ở Đức, nơi anh đi học
thêm cho chính mình về thanh nhạc và nhiều điều khác nữa mà trước kia chưa có
thời gian. Shatunov muốn là chính mình, chứ không phải là con rối trong tay
Razin hay kẻ nào khác. Anh có ủng hộ vật
chất, tinh thần cho Kuznesov và vẫn liên hệ với Razin bình thường, Razin là cha
đỡ đầu đứa con của Shatunov. Nhưng anh từ chối tất cả những đề nghị hợp tác của
cả Kuznesov và Razin...Từ năm 1994 anh đã hát “Kẻ bỏ trốn” - Shatunov hát bài của Kuznesov
như hát về chính bản thân mình sau khi tự tách ra khỏi ban nhạc:
https://www.youtube.com/watch?v=8IhDOxYfowU
Anh hát ít hơn,
hát ở những sân khấu nhỏ bé hơn, tránh ồn ào với báo chí nhất là không cho
media được xâm phạm vào đời tư của mình. 17 năm nay giấu mặt vợ và 2 con. Thậm
chí anh có thể đi metro mà người dân chẳng nhận ra anh! Thế nhưng có lẽ dân Nga
vãn hoài niệm rất nhiều về thời Xô viết chưa xa, mà chính “Tháng 5 êm dịu” là
hình ảnh của đất nước CCCP đã đi vào dĩ vãng đó, do vậy họ không quên “Laskovyi
May” và Yuri Shatunov. Từ 2002 anh hát đều đặn ở Nga (và Đức) và có lẽ ngôi sao
ca nhạc này đang ở thời kỳ phong độ thứ hai...
Kuznesov luôn sống
với niềm đam mê của mình – âm nhạc, còn lại mọi thứ đều đổ vỡ: gia đình, công
việc, sức khỏe, tiền nong, thậm chi cả giới tính... Kuznesov bán tất cả bản quyền
bài hát cho Razin từ 2006 với giá nửa triệu đô la. Sau đó khi tiền đã cạn
Kuznesov bắt đầu kiện Razin để đòi đền bù vì “bị lừa để bán bản quyền 27 bài
hát” (và có những người cấp tiền để Sergey đi kiện). 11 phiên tòa, tất cả
Kuznesov đều thua kể cả tòa châu Âu – nhất là từ khi Razin đòi giám định tâm thần
và Kuznesov nhận được kết quả: bệnh nhân tâm thần cấp 2. Nhưng có lẽ không còn
con đường nào khác, Kuznesov sẽ vẫn đi kiện tiếp...
Shatunov vẫn phải
hát những bài của Kuznesov:
“Tuổi thơ”: https://www.youtube.com/watch?v=aBzEIvPoFPA
(so với 15 năm trước: https://www.youtube.com/watch?v=sU1_gZpxkNg
https://www.youtube.com/watch?v=4dFj_pcSNkU )
Anh đã kể về việc
giọng anh đã khác, anh hát cũng khác rồi mà khán giả cứ ngỡ anh vẫn dùng băng
ghi âm cũ từ 1986:
- “Buổi chiều
đông lạnh”: https://www.youtube.com/watch?v=ODeRgS-B7hA
https://www.youtube.com/watch?v=MWEuPOW80WQ
Và khán giả tuy
không còn xé quần rứt tóc hay dọa tự tử nữa, nhưng vẫn cực kỳ hâm mộ Yuri
Shatunov – với điều kiện khắc nghiệt là anh phải hát đúng những bài của Sergey
Kuznesov như 20-30 năm trước cơ!
“Buổi tối hồng”: https://www.youtube.com/watch?v=aJkZhrFpwAc
Ở Nga bây giờ nếu
”lười” Shatunov chỉ cần xuất bản clip của những bài hát cũ cũng đủ sống như ca
sĩ hàng đầu rồi:
“Chiều đông lạnh”: https://www.youtube.com/watch?v=MWEuPOW80WQ
“Lá rụng”: https://www.youtube.com/watch?v=9P_h6Qd8t-E
Nhiều người coi
Shatunov như một mẫu hình người yêu, con rể lý tưởng hay đơn giản là chàng trai
tốt bụng láng giềng, những người khác coi anh như một phần không thể thiểu của
“tuổi thơ dữ dội” của mình:
“Tuổi thơ”: https://www.youtube.com/watch?v=FQYNsfGfidU
Một trong những
bài được đặc biệt yêu thích từ xưa tới nay mà khó buổi diễn nào của Shatunov
thiếu được – chỉ bằng vài hợp âm đầu tiên là khán giả có thể biết ngay được đó
là bài hát nào của (Sey Kuznesov) – đó mới là tình yêu âm nhạc của dân toàn
dành cho Shatunov, Sey Kuznesov và “Tháng 5 êm dịu” với điều kiện phải có 2 yếu
tố kể trên! Còn theo tôi đây là tác phẩm hay nhất của Kuznesov!
“Đêm bạc trắng”: https://www.youtube.com/watch?v=tebJzszF19Y
https://www.youtube.com/watch?v=WFb2opqrcrU
Anh nói rằng đã tự
học thêm rất nhiều để hoàn thiện giọng ca của mình, nhưng có thể để đạt được danh
hiệu “ca sỹ” anh còn thiếu một vài điều kiện, nhưng nếu là “người truyền cảm hứng”
thì đó chính là anh! Cái đó là khả năng thiên phú, và từ xưa anh đã có, ngày
nay anh vẫn có – có thể chả cần hát, chỉ một động tác vung tay, mội cái nhíu
mày của anh cũng có thể làm phụ nữ xây xẩm mặt mày…
“Mùa hè của sắc
màu”: https://www.youtube.com/watch?v=o5xaQ3n1prc
Đây là một trong
rất ít bài của bạn Shatunov viết cho anh, được khán giả đón nhận - Kartavsev
(quả là nhạc vẫn rất giống của Kuznesov) - và đã khá thành công! “Mùa hè của sắc
màu”:
https://www.youtube.com/watch?v=-7MW3hc33cI

Razin vẫn tiến
hành dự án “Tháng 5 êm dịu” cho tới ngày nay, vẫn lên hát mặc dù qua tay anh ta
có biết bao ngôi sao trẻ hát hay hơn, và ban nhạc vẫn tuyển thành viên liên tục.
Đã 30 năm nay là nhân vật giàu có nhất giới showbiz của Nga (tự khoe khoang nắm
giữ bất động sản khoảng 900 triệu USD) và luôn là kẻ bị ghen ghét nhất nhưng có
lẽ đã quá quen với điều đó, quá “trơ” rồi, ngày nay Razin có một thú vui nữa là
săm soi xem có ai động chạm đến bản quyền của “Tháng 5 êm dịu” là “chiến” ngay,
ví dụ trong trường hợp ca sĩ trẻ hàng đầu “Nhiusha” đã dám hát bài “Những bông
tuyết ngu ngơ” của “chú Shatunov” – bởi bố cô bé có thời gian ngắn đã từng là
thành viên của chính ban nhạc này (và bây giờ Razin chối bay biến là không hề
có chuyện đó):
https://www.youtube.com/watch?v=LWzwQ5j7Op0
(so với “Tháng 5
êm dịu”: https://www.youtube.com/watch?v=s995bVRYiIg
Và clip của riêng
Shatunov: https://www.youtube.com/watch?v=mXFOiWDBi6o )
Hắn khá có duyên
với các tổng thống. Dmitri Medvedev thưởng huân chương cho nghệ sỹ đã đóng hắn
trong bộ phim “Tháng 5 êm dịu” còn Putin chọn hắn làm tổng đạo diễn nghệ thuật
cho Olympics mùa đông ở Sochi 2014. Ngoài chuyện âm nhạc và niềm vui ca hát đã
đem lại cho Razin không biết bao nhiêu là tiền hắn còn kịp làm những nghề sau:
quản lý, chính trị gia, đại biểu nhân dân, phó hiệu trưởng trường luật, nhà
báo, thành viên hội nhà văn... Tiền đã kiếm rồi, hắn không dám đối đầu với
Putin, nhưng vẫn hẹn với những fan hâm mộ là sẽ lập đảng “Tháng 5 êm dịu” để
tranh cử tổng thống Nga nếu sau này Putin không tham gia chính trường nữa –
dùng “tình yêu âm nhạc của nhân dân” để đấu với những bè đảng chính trị... Như
bạn đọc đã cảm nhận được, tin ai chứ Razin thì tin ít thôi...
Bài “Những bông hồng
trắng” sẽ mãi mãi chiếm giữ vị trí bài hát Xô viết nổi tiếng nhất, được nghe và
được in lậu nhiều nhất - nhờ vào thiên tài của Kuznesov, giọng ca không lẫn được
vào đâu của Shatunov và có lẽ đến bây giờ chúng ta hãy công nhận với nhau rằng
không thể thiếu “bàn tay bẩn thỉu” của Razin:
https://www.youtube.com/watch?v=U66HGDW6lPw
https://www.youtube.com/watch?v=BPsRX7m6CX4
https://www.youtube.com/watch?v=eivShpUXNtA
(Lời bài hát tưởng
chừng vui nhộn này lại chứa đựng những ý
nghĩa triết học, nhân văn khá sâu sa:
Ngày giáp Tết người Nga thường hay mua hoa hồng
trắng để cắm ở nhà cho đẹp, không rõ đầu tiên ý tưởng trồng hoa mùa đông này là
của ai đầu tiên nữa. Khi bước vào nhà không khí ấm áp, những bông hồng trắng nở
bung trông như những vườn hoa tháng sáu, bất chấp ngoài kia băng tuyết lạnh vô
cùng. Người ta hay đặt chúng trên bậu cửa sổ để hoa được tươi lâu, nâng niu vuốt
ve chăm sóc hoa, nhưng cũng chỉ được vài ngày, nhà nào cũng như nhà nào, cửa sổ
sáng đẹp lung linh. Thế rồi mấy ngày lễ qua đi, những bông hoa hồng trắng với
những cái gai yếu ớt lại bị bỏ mặc, héo tàn dần trên bậu cửa sổ cũng trắng lạnh
giá băng...)
Sergey Kuznesov
ngay từ những năm trẻ tuổi (trên dưới 20) đã sáng tác cả lời và nhạc cho bài
hát này cũng như hàng loạt hits khác, và không ngờ số phận “hoa hồng trắng” lại
vận vào cuộc đời anh sâu đến mức trùng hợp kỳ lạ như vậy. An là người tìm ra
Shatunov, lập nên ban nhạc “Tháng 5 êm dịu”, viết hầu như tất cả những bài hát
theo cùng năm tháng của ban nhạc kỷ lục này... thế nhưng Andrey Razin đã cướp
đi tất cả, mà nếu nghĩ sâu hơn thì có lẽ không có Razin này rồi cũng sẽ có
Razin khác mà thôi. Nhanh chóng hết giá trị sử dụng anh bị thải loại không
thương tiếc, đẩy xa môi trường âm nhạc đỉnh cao, càng chống lại (như bông hoa hồng
với những cái gai yếu ớt) càng bị đời vùi dập, chỉ gây niềm tiếc thương trong
lòng khán giả yêu nhạc thôi nhưng chẳng ai giúp gì được anh nữa. Đến năm nay
thì chả ai còn biết anh đang ở đâu, sống chết thế nào, bệnh tật đã đưa anh đi
chưa hay tình yêu với âm nhạc còn níu kéo anh lại với cõi đời. Chỉ biết rằng với
cây đàn organ đơn giản, mấy chú nhóc con và giai điệu lời ca của mình anh đã vượt
xa những Raymons Pauls hay Igor Krutoy đầy danh hiệu...
Dù vô cùng chông
gai nhưng Shatunov đã vượt qua được số phận “hoa hồng trắng” của mình. Anh đã
hoàn thiện mình rất nhiều dưới góc độ ca sỹ, góc độ con người... nhưng lịch sử
âm nhạc dành cho anh một vị trí vô cùng đáng tự hào nhưng hết sức oái oăm. Anh
là “hoàng tử nhạc pop” của Nga trong lòng nữ giới, bất kể những Kirkorov,
Baskov hay Vitas, Bilan... có thể được lăng xê đến đâu chăng nữa. Chỉ cần anh
ra sân khấu, hát một vài bài bất kỳ của thời 30 năm trước thì đã là điều tuyệt
vời lắm đối với khán giả rồi! Có làm khác thế được không – đó mới là thử thách
lớn nhất của đời anh như một người nghệ sỹ, có đủ dũng cảm để phá đi hình ảnh
quá đẹp của mình không? Bông hồng rồi cũng phải có gai, dù là những chiếc gai yếu
ớt...
Giải thích thế
nào về thành công kỳ diệu của Shatunov, quả là anh hát hay nhưng không quá hay,
toàn những bài cũ với dòng nhạc nhẹ mà nhờ “Tháng 5 êm dịu” được giới học thuật
ban cho cái tên gọi có phần khinh rẻ là “páp-xa” (từ chữ “pop” mà ra)? Có thể
yêu thích hoặc không “Tháng 5 êm dịu” nhưng không ai có thể tuyên bố là không
nghe chúng, bởi vì cứ 3 người Nga có 1 người đã đi xem biểu diễn live của nhóm
này, còn chưa nói đến âm nhạc “sơ sài” này đã vang khắp hang cùng ngõ hẻm và mọi
cuộc lễ hội của dân Nga. Cho đến ngày nay các nhà nghiên cứu vẫn còn loay hoay
giải thích điều lạ lùng đó, nhưng có lẽ một trong những yếu tố quan trọng nhất
của thành công với “Những bông hồng trắng” là: với Shatunov, với những bài hát
cũ đó người dân Nga ngày nay liên tưởng đến những gì tốt đẹp nhất của một thời
đã qua - thời Xô viết những năm cuối 80-90. Mà những gì đã qua và không bao giờ
quay trở lại thì đó chính là hoài niệm đẹp nhất...
Ghi chú:
- tên tiếng
Anh của ban nhạc nghe hơi chán, là “Tender May”:
https://www.youtube.com/watch?v=yuvmaLF53Lo
- Trong album “Chiều
không gian thứ 5 – phần 2” của Sergey Kuznesov có bài nhạc không lời tuyệt hay
của tác giả Nikitin và phối khí của Kuznesov – một tuyệt phẩm âm nhạc (mà trong
internet hay đề bậy là “tác giả Chopin”). Nikitin là người quản lý trang web của
Kuznesov (tức là giúp việc cho anh):
“Điệu valse của
Mưa”: https://www.youtube.com/watch?v=mm5t3htSe7s
Xem và bình luận tại đây: https://www.facebook.com/namhhn/posts/1652056478189616
